Hiện nay, ở Đức có khoảng 6 triệu người mắc bệnh tiểu đường Typ 2 và xu hướng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, số lượng các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường Typ 2, bị mắc khi đã có tuổi và liên quan tới những nhân tố như béo phì, ít vận động và căng thẳng đã tăng liên tục. Bởi vậy, từ vài năm nay, các chuyên gia đã cảnh báo và kêu gọi chính quyền phải có hành động để ngăn chặn xu hướng này.

 Ông Thomas Danne, Bác sĩ trưởng Bệnh viện Thanh Thiếu nhi Auf der Bult ở Hannover và Chủ tịch Hội trợ giúp tiểu đường Đức cho rằng chỉ thuốc men thôi thì không thể giải quyết được vấn đề. Bởi vì bệnh tiểu đường đã là một căn bệnh đại trà. Hiện nay, ở Đức đã có khoảng 6 triệu người mắc bệnh tiểu đường Typ 2, tăng 1/3 so với cách đây 15 năm. Các chuyên gia ước tính, tới năm 2035 sẽ có khoảng 600 triệu người mắc căn bệnh này trên toàn thế giới. Theo con số thống kê, mỗi ngày có thêm khoảng 750 người mắc bệnh tiểu đường và mỗi giờ có 3 bệnh nhân tử vong vì hậu quả bệnh tiểu đường.

 
95% trường hợp này là bệnh nhân tiểu đường Typ 2. Bệnh tiểu đường Typ 1 ít xuất hiện hơn, nhưng số lượng bệnh nhân cũng gia tăng. Trong khi ở Typ 1 các yếu tố gien đóng một vai trò quan trọng thì ở bệnh nhân Typ 2, béo phì, ít vận động, căng thẳng là những yếu tố chính. Những số liệu mới cho thấy ô nhiễm môi trường cũng góp phần gia tăng căn bệnh này.
 
Bệnh tiểu đường là một căn bệnh rối loạn trao đổi chất rất nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm tới tính mạng như nhồi máu cơ tim, huyết áp cao, tai biến mạch máu não và hư thận. Bởi vậy, việc chẩn đoán phát hiện bệnh sớm và điều trị đặc biệt quan trọng.
 
Nhà nghiên cứu bệnh tiểu đường Matthias Tschöp của Trung tâm Helmholtz München cho rằng nguyên nhân bệnh tiểu đường gia tăng trước hết do số người béo phì gia tăng. Hiện nay, người ta chưa làm chủ được vấn đề này, vì cho tới nay chưa có thuốc điều trị bệnh béo phì. Vì vậy, hiện nay ông Tschöp đang nghiên cứu để tìm ra những dược liệu đồng thời chống bệnh béo phì và tiểu đường. Ông nêu rõ: „Chúng ta cần có những loại thuốc hiệu quả hơn hiện nay“.
 
Bác sĩ nhi khoa Danne cho rằng cần có một chương trình hành động quốc gia phòng chống bệnh tiểu đường, kết hợp mối quan tâm của các bác sĩ, của chính quyền và của ngành công nghiệp thực phẩm.
 
Nhân Ngày bệnh tiểu đường Thế giới 14/11, các chuyên gia dự định sẽ giải thích về căn bệnh này và cho thấy, bất chấp mắc bệnh tiểu đường, người ta vẫn có thể sống một cuộc sống bình thường.
 
mai Lan
Theo Văn Long/ Thoibao.
 



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC