"Chúng ta đã sai về việc đóng cửa trường mầm non trong đại dịch"
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach. Nguồn Reuters
"Khi nhìn lại, việc đóng cửa các trường mầm non lẽ ra đã là không cần thiết", Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết trên Twitter.
Kết luận này được Bộ trưởng Lauterbach rút ra từ một nghiên cứu mang tên Corona-KiTa do Bộ Y tế Đức tài trợ, với kết quả được công bố vào ngày 2/11/2022.
Nghiên cứu kết luận, trẻ em hiếm khi mắc COVID-19 nặng, và khi bị nhiễm bệnh thì các em thường không có triệu chứng hoặc chỉ bị nhẹ.
Nghiên cứu cũng cho biết, khi tỷ lệ nhiễm bệnh nói chung trong dân số cao, thì các đợt bùng phát ở các trường mầm non cũng gia tăng. Theo lời của Bộ trưởng Y tế Lauterback, thì "những trẻ em độ tuổi mầm non không phải là tác nhân của đại dịch".
Ngoài ra, nghiên cứu nói rằng, các biện pháp kiểm soát lây nhiễm như đeo khẩu trang là có hiệu quả, nhưng phải cân nhắc cẩn thận mặt lợi và hại giữa tác dụng của khẩu trang và tác hại tiềm ẩn đối với việc học tập hàng ngày.
"Phải trình bày kết quả nghiên cứu như chúng vốn có. Chúng ta đã sai về việc đóng cửa trường mầm non trong đại dịch Corona. Những trẻ em độ tuổi mầm non không phải là 'tác nhân' của đại dịch, việc đóng cửa sẽ không lặp lại", Bộ trưởng Y tế Lauterback cho biết.
Nghiên cứu Corona-KiTa do Viện Thanh niên Đức (DJI) và Viện Robert Koch (RKI) phối hợp thực hiện từ giữa năm 2020 đến cuối năm 2022, và được tài trợ bởi Bộ Các vấn đề về Gia đình, Công dân cao tuổi, Phụ nữ và Thanh niên (BMFSFJ) cùng Bộ Y tế Đức (BMG).
Các nghiên cứu trước đây
Ngay từ tháng 4/2020, khi các quốc gia trên toàn thế giới đã đồng loạt đóng cửa trường học, một số nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng "giáo dục là một trong những yếu tố dự báo mạnh nhất về sức khỏe và thịnh vượng của người lao động tương lai của một quốc gia, và tác động của việc đóng cửa trường học trong thời gian dài đối với kết quả học tập, thu nhập trong tương lai, sức khỏe của những người trẻ tuổi, và năng suất quốc gia trong tương lai chưa được định lượng". Do đó, "các nhà hoạch định chính sách cần nhận thức thấy bằng chứng không rõ rệt [về tác dụng của việc đóng cửa trường học] khi xem xét việc đóng cửa trường học vì COVID-19".
Các nghiên cứu khác kể từ năm 2020 đã phát hiện ra rằng, trẻ em hiếm khi bị nhiễm COVID-19 và khi mắc bệnh, các em thường bị rất nhẹ. Mặc dù trẻ nhỏ vẫn có thể lây truyền virus, các nghiên cứu đã cho thấy các em không phải là tác nhân chính gây ra đại dịch, và các trường mầm non không phải là ổ dịch tiềm ẩn.
Các nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng, việc đóng cửa trường học có nguy cơ gây ra một số tác động lâu dài đầy bất lợi đối với trẻ em và xã hội, bao gồm suy giảm kỹ năng học tập, suy giảm sức khỏe tâm thần và hoạt động thể chất, gia tăng chênh lệch xã hội, và mất đi lực lượng lao động do người lao động phải ở nhà chăm sóc con cái không được đến trường.
Đáng chú ý,một nghiên cứu của Thụy Điển trong khoảng thời gian từ 1/3 - 30/6/2020 cho biết, trong số gần 2 triệu trẻ em ở quốc gia này chỉ có 15 trẻ với COVID-19 đã vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
4 trẻ trong số đó nằm trong độ tuổi từ 1 - 6 và 11 trẻ trong độ tuổi từ 7 - 16. Trong đó cũng có 4 trẻ mắc bệnh nền mãn tính bao gồm cả ung thư, và không có ca tử vong nào. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng các trường học đã luôn được mở cửa và khẩu trang chưa từng được khuyến khích.
Cao Dương