Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Köln (Cologne IW, Đức), việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đặt các chuỗi cung ứng xuyên quốc gia của các ngành công nghiệp Đức trước rủi ro.
Chuyên gia kinh tế của IW đồng thời là tác giả của bản báo cáo trên Berthold Busch cho biết, trong một viễn cảnh xấu nhất, các chuỗi cung ứng phức tạp hiện tại có thể bị xé rời bởi Brexit, bởi lẽ mà các ngành công nghiệp của lục địa ngày càng trở nên đan cài do sự hợp nhất của EU.
Báo cáo của IW cho biết, nếu nước Anh và EU không đạt được Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thì ít nhất, thương mại sẽ trở nên đắt đỏ hơn do các biện pháp thuế quan.
Theo ông Busch, ngành công nghiệp của Đức sẽ bị tác động mạnh nếu không có FTA. Tình huống trên cũng không tốt đẹp hơn đối với các nhà sản xuất nước Anh – khi mà các nhà cung cấp dịch vụ đang lo sợ mất khả năng tiếp cận với các khách hàng châu Âu và Đức.
Hiện Anh và EU cũng chưa thống nhất được về vấn đề các quyền công dân.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis khẳng định Chính phủ Anh rất quan tâm đến việc nhanh chóng đi đến thỏa thuận các quyền của công dân EU sinh sống tại Anh, nhưng không sẵn sàng thỏa hiệp với yêu cầu của EU về vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) trong việc bảo vệ quyền lợi của công dân EU sinh sống tại Anh.
Trong khi đó, người đại diện đàm phán Brexit của Nghị viện châu Âu Guy Verhofstadt nhấn mạnh ECJ phải đóng vai trò bảo vệ quyền công dân EU tại Anh sau khi Anh rời khỏi EU. Ông Davis khẳng định tòa án Anh có đủ uy tín, độ tin cậy để bảo vệ quyền của các cá nhân.
Nguồn: DN - Ban biên tập Kinh tế - TTXVN