Đức: Xây dựng trường đại học đầu tiên giảng dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu   Tại Đức, trường đại học đầu tiên của châu Âu- nơi việc giảng dạy sẽ được thực hiện bằng ngôn ngữ ký hiệu, đang được xúc tiến xây dựng. Dự án giáo dục gây chú ý  này sẽ được thực hiện tại thành phố Bad Kreuznach nằm trên sông Nahe.

Sẽ có khoảng 2000 sinh viên có thể nhận được bằng tốt nghiệp đại học tại ngôi trường này. Việc gây quỹ để mở trường được điều hành bởi một nhóm những người khởi xướng dưới sự lãnh đạo của nhà hóa học Berlin Ingo Barth. Đây là nhà khoa học khiếm thính đầu tiên ở Đức nhận được học vị Tiến sĩ hóa học. Để trường đại học này được ra mắt trong năm 2013 theo kế hoạch, sẽ cần ít nhất 100 triệu euro. Thành công của dự án phụ thuộc vào hai yếu tố - sự nhiệt tình của nhóm sáng lập và ý chí của lãnh đạo thành phố.

"Ở Đức, người điếc có quyền học ở bất kỳ trường đại học nào, và họ được cung cấp thông dịch viên - Michael Mattei, một thông dịch viên nói - Trong thực tế, mọi việc phức tạp hơn nhiều, bởi vì người phiên dịch chỉ giúp các sinh viên nghe bài giảng, còn vào giờ giải lao, họ vẫn phải sống trong môi trường bình thường, giữa bạn bè cùng lớp, những người chẳng hiểu gì  ngôn ngữ ký hiệu". Mua bữa ăn trưa trong các tiệm ăn, cùng bạn bè chuẩn bị bài luận, trò chuyện với các giáo sư… tất cả đều hết sức khó khăn. Ngoài ra, các trường đại học nhỏ thường không thể đáp ứng nhu cầu của học sinh khiếm thính do thiếu nhân viên được đào tạo chuyên biệt.

Tại Đức, hiện chỉ có khoảng 500 chuyên gia ỡ lĩnh vực này, hầu hết đều tập trung ở các trung tâm đào tạo đặc biệt - ở Berlin, Magdeburg và Hamburg. Mỗi ngày, có khoảng 200.000 người cần đến sự giúp đỡ của các phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu.

"Những sinh viên bị điếc không chỉ mất đi lòng nhiệt tình mà cả sự can đảm khi phải gắng hết sức  vượt qua những rào cản hành chính và quy chế -  Renate Fisher, một giáo sư khoa Ngôn ngữ ký hiệu của trường đại học Hamburg nói - Tạo nên một không gian mà trong đó từ các nhân viên nhà ăn tới giám đốc đều dùng chung một ngôn ngữ ký hiệu... là một ý tưởng tuyệt vời".

Theo

newsru.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC