Các nước châu Âu hối hả nối lại dự án đường ống dang dở và tìm nguồn cung LNG từ bên ngoài, trong nỗ lực thoát phụ thuộc khí đốt Nga.

Từ kế hoạch xây kho lưu trữ khí đốt hóa lỏng (LNG) ở phía bắc nước Đức, Phần Lan và Pháp cho tới các đường ống mới chạy qua Tây Ban Nha và Địa Trung Hải, châu Âu đang nỗ lực tách rời khí đốt Nga, dù các chuyên gia nhận định nhiệm vụ này sẽ mất nhiều năm để hoàn thành.

Tại Middelfart ở miền trung Đan Mạch, quá trình xây dựng Đường ống Baltic dài 900 km dẫn khí đốt từ Na Uy tới Ba Lan, được nối lại vào tháng trước nhằm giúp Warsaw giảm phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga.

“Tất nhiên dự án cũng nhằm giúp Đan Mạch có thêm khí đốt, nhưng chủ yếu là để hỗ trợ các nước láng giềng và người bạn tốt Ba Lan của chúng tôi”, Soren Juul Larsen, người phụ trách dự án tại nhà điều hành cơ sở hạ tầng Energinet của Đan Mạch, nói.

Chỉ một tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, cơ quan môi trường Đan Mạch, vốn lo ngại về tác động của Đường ống Baltic đối với hệ sinh thái, đã cấp giấy phép để dự án tiếp tục xây dựng sau 9 tháng đình chỉ.

“Đường ống trước đây bị tạm dừng vì chưa được cấp phép liên quan tới bảo vệ thiên nhiên và các loài sinh vật quý hiếm”, Trine Villumsen Berling, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, nói. “Cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến quá trình cấp phép trở nên cấp bách hơn”.

1 Chau Au Chay Dua Thoat Phu Thuoc Khi Dot Nga

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở vùng Leningrad, Nga hồi tháng 7/2021. Ảnh: TASS.

Dự án xây dựng Đường ống Baltic được khởi xướng từ gần 20 năm trước và khởi công năm 2018. Nó dự kiến bắt đầu vận hành vào tháng 10, trước khi hoạt động đầy đủ vào ngày 1/1/2023.

“Chúng tôi đã hợp tác tốt với tất cả các nhà thầu để đẩy nhanh tốc độ và làm bất kỳ điều gì để đảm bảo tiến độ này”, Juul Larsen nói trong một chuyến thăm công trường xây dựng.

Với công suất vận chuyển 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, đường ống sẽ cung cấp 50% lượng tiêu thụ của Ba Lan, nước cách đây 3 năm tuyên bố sẽ chấm dứt các hợp đồng với tập đoàn Gazprom của Nga vào năm 2022.

Dù đây là tin tốt đối với Ba Lan, dự án có thể làm dấy lên nhiều lo ngại với các nước châu Âu khác đang tìm cách thoát phụ thuộc khí đốt Nga. Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của châu Âu sau Nga, đang khai thác hết công suất, nên tăng thêm khí đốt cho Ba Lan đồng nghĩa phải giảm nguồn cung cho phần còn lại của lục địa.

“Dự án này sẽ giúp Ba Lan, nhưng có thể dẫn tới nguồn khí đốt xuất khẩu từ Na Uy sang Anh với Đức giảm”, Zongqiang Luo, chuyên gia công ty nghiên cứu Rystad Energy, nói.

Ông Luo lưu ý nhiều hợp đồng khí đốt giữa Nga và các nước châu Âu có giá trị trong 10-15 năm nữa.

Dù phản đối cấm khí đốt của Nga ngay lập tức, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo kế hoạch để cắt giảm 2/3 lượng nhập khẩu trong năm nay và tiến tới loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga trong thập kỷ này.

Trong bối cảnh Na Uy đã khai thác hết công suất, các mỏ của Hà Lan và Anh đang suy giảm, khí đốt của Nga không còn hấp dẫn, châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm những nguồn khí đốt ở xa hơn, trong đó có LNG được vận chuyển bằng tàu từ Mỹ, Qatar và châu Phi. Nhưng giải pháp này đòi hỏi phải xây dựng những kho lưu trữ LNG lớn ở các cảng biển, hoặc mua những tàu chuyên dụng làm kho LNG nổi.

Khi dự án đường ống Nord Stream 2 từ Nga bị đình chỉ, Đức đã khẩn trương khởi công xây dựng ba dự án kho lưu trữ LNG từng không được ưu tiên. Một trong ba kho dự kiến hoàn thành vào mùa đông năm 2023-2024, nhưng hai dự án còn lại không thể xong trước năm 2026.

Phần Lan và Estonia tuần trước công bố dự án cho thuê tàu lưu trữ khí nhập khẩu, trong khi Estonia và hai nước vùng Baltic thông báo ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga kể từ ngày 1/4.

Tại phía nam châu Âu, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha thúc đẩy một tuyến cung cấp thay thế để giúp châu Âu giảm phụ thuộc khí đốt Nga. Để đạt mục tiêu này, cảng Sines lớn nhất của Bồ Đào Nha dự kiến tăng gấp đôi công suất kho lưu trữ LNG trong vòng chưa đầy hai năm.

Tây Ban Nha, có một đường ống liên kết với Algeria và có những kho lưu trữ LNG lớn, có thể cung cấp thêm một lựa chọn cho châu Âu, nhưng giải pháp này đòi hỏi phải cải thiện khả năng kết nối các đường ống giữa Tây Ban Nha với phần còn lại của lục địa, đặc biệt là Pháp.

Một lựa chọn khác đang được châu Âu xem xét là nguồn cung khí đốt từ phía đông Địa Trung Hải, nơi trữ lượng lớn đã được phát hiện ngoài khơi Israel và đảo Cyprus trong 20 năm qua.

Dù EU hiện nhận khoảng 40% lượng khí đốt từ Nga, giới quan sát cho rằng những mối lo ngại về nguồn cung tương lai sẽ khiến châu Âu khó đảo ngược quyết định cắt phụ thuộc vào năng lượng Nga.

“Với tham vọng của EU là thay thế hàng nhập khẩu từ Nga bằng các nhà cung cấp khác vào cuối năm nay, có vẻ như hầu hết khách hàng châu Âu sẽ không gia hạn hợp đồng khí đốt với Moskva”, các nhà phân tích của công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group ở Mỹ cho hay. “Việc châu Âu dần tách rời nguồn cung năng lượng Nga mang tính cấu trúc và sẽ không bị đảo ngược”.

Nguồn: Vnexpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC