Quốc kỳ Ukraine và Áo được sơn lên toa tàu chở hàng. Ảnh: AP
Số ngô này được vận chuyển từ tỉnh Ternopil ở Tây Ukraine và công ty đường sắt Áo sẽ nhận chúng từ thị trấn biên giới Cierna của Slovakia.
Đứng trước toa tàu có quốc kỳ Áo và Ukraine, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Áo Elisabeth Koestinger, cho biết chuyến tàu này đánh dấu việc thiết lập “hành lang xanh” để vận chuyển hàng hóa quan trọng giữa hai nước.
Bộ trưởng Koestinger chia sẻ với hãng thông tấn AP (Mỹ): “Không thể xuất khẩu ngũ cốc và thức ăn gia súc từ Ukraine qua đường biển. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tạo ra những hành lang xanh”. Xung đột Nga-Ukraine đã gây tắc nghẽn tại cảng biển lớn nhất Ukraine là Odessa nằm trên Biển Đen.
Số lượng ngũ cốc ban đầu này được các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Áo đặt hàng. Bộ trưởng Koestinger dự đoán những chuyến hàng tiếp theo sẽ tìm đường Trung Phi - nơi đang có nhu cầu về nguồn cung thực phẩm từ Ukraine.
Chuyến tàu vận chuyển được triển khai trong bối cảnh nguồn cung thực phẩm toàn cầu gặp gián đoạn đo xung đột Nga-Ukraine. Cả hai quốc gia này là nhà cung cấp lúa mì, lúa mạch và dầu hướng dương lớn nhất thế giới. Nga còn là nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu.
Với thực tế hàng triệu người trên thế giới phụ thuộc vào bánh mì và mì giá rẻ, việc thiếu hụt lúa mì làm gia tăng nguy cơ thiếu lương thực và bất ổn chính trị ở các quốc gia. Khi giá thực phẩm đã tăng vọt, chi phí phân bón và dầu ăn cao đang gây khó khăn cho chuỗi thực phẩm toàn cầu.
Bộ trưởng Nông nghiệp, Khu vực và Du lịch Áo Elisabeth Koestinger (giữa) cùng Đại sứ Ukraine Vasyl Khymynets (trái). Ảnh: AP
Chuyến tàu đã đến Vienna (Áo) ngày 6/5. Ảnh: AP
Con tàu chở theo 2.000 tấn ngô. Ảnh: AP
Đại sứ Ukraine tại Áo Vasyl Khymynets gọi tuyến tàu vận chuyển này là biểu tượng quan trọng cho sự hợp tác của nước này với các đối tác. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tìm những tuyến đường có thể cung cấp thực phẩm cho thế giới”.
Nhưng Đại sứ Vasyl Khymynets cho biết 600.000 tấn ngũ cốc Ukraine có thể xuất khẩu mỗi tháng qua các tuyến đường bộ chỉ là phần nhỏ nhoi trong khả năng xuất khẩu đến 25 triệu tấn của nước này.
Bộ trưởng Koestinger tiết lộ nhiều nước khác cũng khởi động thiết lập tuyến đường “hành lang xanh” riêng. Mỗi tháng, các chuyến tàu hỏa sẽ chở 60.000 tấn ngũ cốc từ Ukraine đến Áo, bổ sung cho các chuyến hàng tương tự đến Đức. Công ty đường sắt Áo đã vận chuyển hàng hóa Ukraine ba lần một tuần đến miền Bắc nước Đức qua Slovakia, CH Séc và Ba Lan. Hiện nay, công ty này tăng số tàu hàng ngày đến Brake (Đức) gần thành phố Bremen - nơi có cảng biển chuyên vận chuyển thức ăn chăn nuôi và ngũ cốc.
Hà Linh/Báo Tin tức (AP)