Chi phí giải cứu EU bắt đầu đe dọa nước ĐứcKhủng hoảng nợ leo thang ở khu vực rìa Châu Âu đang bắt đầu làm ảnh hưởng đến tình trạng tín dụng của Đức và một số nước chủ chốt trong liên minh tiền tệ này.

Các hợp đồng hoán đổi nợ xấu (CDS) đo lường rủi ro trái phiếu của Đức, Pháp và Hà Lan gần đây đã tăng mạnh, cao hơn đáng kể so với các nước không nằm trong Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Châu Âu ở bán đảo Scandinavia.

Giáo sư Wilhelm Hankel, trường đại học Frankfurt cho biết: “Đức không thể tiếp tục tài trợ cho những gói giải cứu kinh tế mà không đi đến phá sản. Điều này đang khiến cho nhiều người lo sợ. Bạn không thể tìm được một két tiền gửi an toàn ở các ngân hàng tại Đức bởi vì tất cả những cái két như thế đã được nhồi kín với vàng và bạc. Nó giống như việc các két ngầm của Thụy Sĩ nằm trong biên giới Đức. Người dân Đức có một ký ức khủng khiếp vào năm 1948 và 1923 khi họ mất đi tất cả tiền tiết kiệm của mình.

Bộ trưởng bộ tài chính Đức, ông Wolfgang Schäuble trong tuần này đã nhấn mạnh “Chúng ta không bơi trong tiền, mà chúng ta đang bị nhấn chìm trong nợ nần.”

Trong khi các khoản nợ công và nợ tư của Đức không lớn lắm, thì nước này đang nằm trong một cuộc khủng hoảng dân số già đáng báo động. Điều chỉnh theo nhân khẩu học, Đức đã trở thành một trong số những dân tộc mắc nợ nhiều nhất trên thế giới.

Tờ Wall Street Journal trích dẫn một nguồn tin không chính thức cho biết cơ quan điều hành của Liên minh Châu Âu EU, Ủy ban Liên minh Châu Âu đặt tại Brussels, Bỉ vừa đưa ra đề xuất vào hôm thứ 4 vừa qua nhằm tăng quy mô quỹ cứu trợ 440 tỷ EUR (588 tỷ USD) của Châu Âu lên gấp đôi, nhưng ý kiến này đã nhanh chóng nhận được sự phản đối từ nước Đức.

Sự bất đồng giữa Brussels và Đức xảy ra trong bối cảnh đã có những lo ngại rằng khủng hoảng niềm tin của các nhà đầu tư vào chính phủ các nước trong khu vực Châu Âu, vốn đã khiến Hy Lạp và Ireland phải kêu gọi viện trợ từ nước ngoài, sớm hay muộn cũng sẽ lan sang Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Rất nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích hiện đang băn khoăn không biết liệu EU có đồng ý cung cấp đủ hỗ trợ tài chính để giải cứu Tây Ban Nha nếu như nước này thất bại trong việc tiếp cận thị trường trái phiếu hay không, khi lãi suất trái phiếu 10 năm của nước này đã tăng lên mức kỷ lục 5,2%. Sự ủng hộ của Đức, cường quốc kinh tế lớn nhất Châu Âu và là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho gói cứu trợ của Châu Âu sẽ là cần thiết cho bất kỳ sự tăng quỹ cứu trợ nào của khu vực này.

Theo sau gói cứu trợ 110 tỷ EUR của Hy Lạp hồi tháng 5 vừa qua, EU đã lập một chương trình giải cứu trị giá 750 tỷ EUR cùng với IMF. Trong đó, các quốc gia trong khu vực Châu Âu đã đồng ý ủng hộ 440 tỷ EUR trong bảo lãnh tín dụng. Phần còn lại là do IMF và Ủy ban EU đóng góp.

Liệu rằng chính phủ các nước trong khu vực Châu Âu có thực sự bỏ tiền túi của mình ra hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn. Thủ tướng Đức, Angela Merkel sẽ có thể gây ra một làn sóng phẫn nộ mới nếu như bà phải tăng quỹ cứu trợ cho các nước đang chìm trong nợ nần ở khu vực Châu Âu tại thời điểm mà nước Đức cũng không được dư dả cho lắm. Bà sẽ phải đối mặt với sự căng thẳng của các cuộc bầu cử ở địa phương nơi mà Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo của bà đang chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh.

Stefano di Domizio, Lombard Street Research cho biết: “Italia sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Lợi suất trái phiếu của nước này đang tăng lên 0,1% mỗi ngày và chênh lệch lãi suất hiện đang cao nhất kể từ khi liên minh EMU ra đời. Chúng ta đang nói đến 2 nghìn tỷ EUR nợ của nước này, vì thế Rome sẽ phải có những tác động nhẹ vào thị trường một cách thường xuyên, và đó chính là vấn đề.”

Câu hỏi lớn đặt ra ở đây chính là giới hạn nào cho Đức đi đến kết luận nước này không thể chịu đựng được gánh nặng đang ngày một gia tăng hơn nữa.

Theo WSJ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC