Bộ đôi Putin-Merkel luôn có sự thân thiết của các đối tác tin cậy
Kinh tế Đức thiệt hại khủng khiếp vì áp trừng phạt Nga
Ngày 25/6 trả lời phỏng vấn báo Izvestia, Nghị sĩ Quốc hội của đảng Sự Lựa chọn của nước Đức Markus Fronmeier cho biết, hàng tháng kinh tế Đức mất tới 618 triệu euro - khoảng 723 triệu USD - vì các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Theo ông Fronmeie, kinh tế Đức - nền kinh tế đầu tàu của EU - phải gánh chịu tới 40% trong tổng thiệt hại mà các thành viên Liên minh Châu Âu phải nhận lãnh do áp các biện pháp trừng phạt Nga.
"So với các thành viên khác trong Liên minh châu Âu, đất nước chúng tôi chịu nhiều tổn thất hơn vì những biện pháp trừng phạt Nga. Hàng tháng chúng tôi thiệt hại tới 618 triệu euro chỉ vì trừng phạt kinh tế Nga".
Nghị sĩ Đức Markus Fronmeier
Xin nhắc lại là sau khi Tổng thống Putin quyết định thực hiện tái sát nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga vào ngày 18/3/2014, Mỹ và phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, thông qua 3 hướng độc lập.
Một là hạn chế thị thực đối với công dân Nga, hai là áp các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào một số doanh nghiệp nhà nước của Nga trong lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính và ba là áp các biện pháp trừng phạt nhằm vào Crimea. Hai gói trừng phạt đầu được gia hạn 6 tháng/lần, còn gói trừng phạt thứ ba được gia hạn mỗi năm/lần.
Và cho đến nay Mỹ thì đã luật hoá trừng phạt Nga, còn EU thì cứ "đến hẹn lại lên", định kỳ gia hạn trừng phạt Nga.
Gần đây nhất là ngày 13/3/2018, EU đã gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng, đến ngày 15/9/2018 và ngày 18/6/2018, EU đã tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt nhằm vào bán đảo Crimea của Nga thêm 12 tháng, đến ngày 23/6/2019.
Theo các số liệu của Cơ quan Thống kê nhà nước Nga, kim ngạch thương mại giữa Nga và Đức dù có sụt giảm mạnh trong thời cấm vận, song vẫn là một trong những mối quan hệ thượng mại chính yếu của Đức.
Tổng giá trị thương mại hai chiều Nga-Đức năm 2016 đạt 40,7 tỷ USD, năm 2017 tăng 25% đạt 50, 9 tỷ USD. Trong khi mỗi tháng kinh tế Đức thiệt hại trực tiếp trong quan hệ kinh tế với Nga lên tới 723 triệu USD, tương đương 8,7 tỷ USD/năm.
Đó thực sự là một con số quá lớn, mà mới chỉ là thiệt hại trực tiếp, còn nếu tính tất thảy những thiệt hại mà người dân và doanh nghiệp Đức phải gánh chịu vì bị hạn chế trong hợp tác-đầu tư với Nga thì con số còn khủng khiếp tới mức nào.
Berlin làm gì để không phải đánh đổi lợi ích thực tế cho mục đích vô vọng?
Ông Markus Fronmeier nhấn mạnh rằng việc Berlin áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow, mà từ đó dẫn đến suy giảm trong quan hệ kinh tế-thương mại Đức-Nga, là việc làm đi ngược lại lợi ích quốc gia của Đức. Nhưng đáng nói hơn là việc làm đó chỉ như vô bổ vì nó hướng tới một mục đích vô vọng.
"Thiệt hại đó nhằm tới ích lợi gì? Để thay đổi quy chế bán đảo Crimea? Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra!", ông Fronmeier thể hiện sự vô vọng.
Theo giới phân tích, việc EU áp trừng phạt và liên tục gia hạn trừng phạt Nga vì vấn đề Crimea và vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine, chỉ là hành động "té nước theo Mỹ", nên rất gượng ép và luôn "mất nhiều hơn được".
Bởi lẽ trừng phạt Nga nói chung, Crimea nói riêng đã không đạt được mục đích, một phần do Nga tương kế tựu kế, tối thiểu hoá tác hiệu của trừng phạt, một phần do các đối tác đầu tư vào Crimea, vô hiệu hoá lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Diễn biến thực tế cho thấy, sau khi nhà nước Nga thực hiện chủ quyền với Crimea, bán đảo chiến lược này ngày càng hoà nhập sâu rộng, không chỉ với nước Nga, mà cả với những không gian khác. Đức là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất trong việc trừng phạt Nga, nhưng sự bù đắp của Mỹ không những không có, mà ngược lại Washington còn gia tăng sức ép, buộc Berlin phải từ bỏ nhiều hơn nữa lợi ích có thể khai thác từ xứ sở bạch dương.
Thực tế cay đắng đó đã khiến Berlin ngày càng có những chuyển động lệch pha Mỹ trong quan hệ với Nga, từ quan điểm về trừng phạt Moscow đến hành động mang tính xé rào trừng phạt, để giảm thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp Đức.
Còn nhớ trong chuyến thăm Nga hồi tháng 10/2017, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã chia sẻ rằng ông cảm thấy "không vui" với quan hệ Nga-Đức hiện tại. Khi còn là Ngoại trưởng Đức, ông cũng luôn chủ trương thân thiện với Moscow. Thủ tướng Đức Angela Merkel thì khi đến Moscow tham dự Đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít đã khẳng định Nga đối tác quan trọng và bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ Nga-Đức.
Thậm chí nữ Thủ tướng Đức còn nhấn mạnh:
"Tôi muốn sẽ là người đầu tiên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để thực hiện điều đó".
Chủ tịch Ủy ban Quan hệ kinh tế Đông Âu của Bộ Kinh tế Đức, Wolfgang Buechel từng nhận định, Đức là quốc gia chịu tác động tiêu cực gián tiếp lớn nhất trong các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga.
Thúc đẩy Nord Stream-2 là cách xé rào trừng phạt của Berlin
Do vậy, Ủy ban Quan hệ kinh tế Đông Âu của Bộ Kinh tế Đức đã tìm cách tiếp cận gần hơn trong việc cố vấn cho chính phủ Đức về các mục tiêu và các giải pháp kinh tế quan trọng nhằm giảm thiểu tối tác động nguy hại đó.
Đặc biệt, dù đang chịu sức ép từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, song chính phủ Đức chưa khi nào giảm tập trung cho dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc-2 - Nord Stream-2, một dự án lớn trong hợp tác kinh tế Nga-Đức.
Còn các doanh nghiệp Đức thì đã bày tỏ ý định tiếp tục thực hiện các dự án hợp tác-đầu tư với các đối tác Nga theo cách nào đó, mà sẽ không bị ngăn chặn bởi các "yếu tố bên ngoài" và phi cạnh tranh. Theo ông Buechel, đa số người dân và doanh nghiệp Đức không nghi ngờ về nhu cầu cải thiện mối quan hệ Nga-Đức.
Đại diện doanh nghiệp Đức cho biết quyết tâm tìm cách mở rộng sự hiện diện của họ tại thị trường Nga. Đặc biệt, gần đây theo gợi ý của Tổng thống Putin, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức đã được khuyến khích đẩy mạnh liên kết với các đối tác Nga, thay vì chỉ các dự án lớn và các doanh nghiệp lớn mới được tạo điều kiện.
Hiện nay, theo thống kê chính thức, hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức có đóng góp hơn 1/2 GDP của quốc gia này.
Vì vậy ý tưởng của Tổng thống Putin đã tạo ra động lực quan trọng cho phát triển quan hệ kinh tế Nga-Đức thời cấm vận. Rõ ràng, việc áp trừng phạt Nga của Mỹ và phương Tây ngày càng mất dần tác hiệu, bởi nó luôn là "mất nhiều hơn được", vì vậy khi thiệt hại dẫn đến sự phẫn uất không chịu đựng được nữa, thì sẽ là lúc các tác giả trừng phạt tự xé rào tìm đến với Nga.
Ngọc Việt
Nguồn: baodatviet.vn