Chính phủ Đức ngày 22/7 tung một gói cứu trợ trị giá 15 tỷ Euro, tương đương 15,28 tỷ USD, cho Uniper, sau khi công ty nhập khẩu khí đốt khổng lồ này trở thành 'nạn nhân' lớn nhất của cuộc chiến năng lượng giữa châu Âu với Nga...

1 Chinh Phu Duc Tung Hon 15 Ty Usd Giai Cuu Cong Ty Khi Dot Khong Lo

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Theo tin từ Reuters, đây là một trong những vụ giải cứu lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Đức. Chính phủ Đức sẽ nắm cổ phần 30% trong Uniper, giảm tỷ lệ sở hữu của công mẹ đặt trụ sở tại Hà Lan là Fortum xuống còn 56% từ gần 80% trước đó. Gói giải cứu này là kết quả của nhiều tuần đàm phán cam go giữa các bên liên quan.

Sau khi được cứu khỏi bờ vực sụp đổ, Uniper được phép đẩy một phần giá khí đốt tăng thêm về phía người tiêu dùng trong những tháng tới đây. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng sự tăng giá khí đốt này sẽ được bù đắp bởi các biện pháp phúc lợi tăng cường, nhằm bảo vệ những gia đình nghèo hơn.

Vụ giải cứu Uniper cho thấy cuộc chiến tranh Nga-Ukraine có ảnh hưởng lớn như thế nào đến các quốc gia ở khu vực châu Âu, khi các nước ở khu vực này phải đương đầu với giá năng lượng tăng vọt và nguy cơ khan hiếm khí đốt trong những tháng tiêu thụ khí đốt cao điểm vào mùa đông.

Cổ phiếu Uniper giảm hơn 30% xuống mức thấp kỷ lục sau khi tuyên bố giải cứu được đưa ra. Cổ phiếu Fortum giảm 3%.

“Chúng ta đang sống trong một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi những biện pháp mạnh mẽ”, CEO Markus Rauramo của Fortum phát biểu, nói thêm rằng thoả thuận giải cứu Uniper phản ánh lợi ích của tất cả các bên. “Chúng tôi phải hành động vì tính cấp bách của vấn đề và sự cần thiết phải bảo vệ an ninh nguồn cung của châu Âu trong thời gian chiến tranh”.

Tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Scholz kêu gọi cả nước đoàn kết, dùng một câu hát nổi tiếng “you’ll never walk alone” (tạm dịch: “bạn khôn bao giờ bước đi trong đơn độc”) bằng tiếng Anh để công bố việc giải cứu Uniper. Ông cũng cho biết sẽ đến lúc Chính phủ Đức thoái vốn khỏi Uniper.

Kế hoạch trên vẫn cần sự phê chuẩn của Uỷ ban châu Âu (EC), xác nhận của tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P rằng Uniper là một công ty có định hạng tín nhiệm khuyến nghị đầu tư (investment grade), và sự nhất trí của cổ đông Uniper.

Tiếp theo, Uniper sẽ cùng với Fortum và Chính phủ Đức đi tìm một giải pháp dài hạn nhằm cải tổ cấu trúc hợp đồng bán buôn khí đốt của Uniper. Đây là mảng kinh doanh đang khiến Uniper thua lỗ nhiều tỷ USD. Nguyên nhân khiến công ty rơi vào tình trạng này là do dòng chảy khí đốt từ Nga ngày càng giảm trong bối cảnh chiến tranh.

Đức đã cáo buộc Nga cố tình giảm bơm khí đốt cung cấp cho châu Âu để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với việc Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã sử dụng những từ ngữ như “tấn công kinh tế”, “tống tiền”, “dùng năng lượng làm vũ khí”… để cáo buộc Nga, trong khi Moscow một mực bác bỏ và cho biết vẫn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng cung cấp khí đốt.

Ngày 22/7, Uniper phát tín hiệu sẽ có hành động pháp lý chống lại hãng khí đốt quốc doanh của Nga Gazprom, sau khi Gazprom đơn phương kích hoạt điều khoản “trường hợp bất khả kháng” đối với việc giảm cung cấp khí đốt đốt với Đức trước đó và hiện nay.

“Cho tới hiện tại, chúng tôi đã lỗ hàng tỷ USD và chưa biết khi nào việc này mới kết thúc. Gazprom chẳng hề có thiện ý trang trải một phần thiệt hại đó”, CEO Klause-Dieter Maubach của Uniper nói với các nhà báo.

Dòng khí đốt từ Nga giảm xuống đồng nghĩa thay vì có thể dựa vào những thoả thuận giá cả dài hạn, Uniper phải mua khí đốt với giá đắt đỏ trên thị trường giao ngay để bù đắp cung cấp cho khách hàng.

CEO Rauramo của Fortume nói rằng còn quá sớm để ước tính tổng thiệt hại đối với Uniper và Fortum, vì thiết hại sẽ tuỳ thuộc vào giá và khối lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu. Fortum và Chính phủ Đức đã nhất trí rằng Đức sẽ chịu 90% phần chi phí tăng thêm do giá khí đốt đội lên, và Fortum sẽ chịu phần còn lại.

Berlin đã nói rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ở nước này có nguy cơ gây ra sự sụp đổ tương tự như vụ đổ vỡ ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers hồi năm 2008 – sự kiện châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngày 22/7, ông Scholz so sánh việc giải cứu Uniper với lời hứa nổi tiếng mà Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đưa ra hồi năm 2012 rằng ECB sẽ “làm bất kỳ những gì cần thiết” để cứu đồng Euro.

“Chúng tôi sẽ làm bất kể việc gì cần thiết mà chúng tôi có thể làm cùng nhau với tư các một quốc gia, những công ty, và những người dân để vượt qua tình huống này, để không ai bị rơi vào cảnh bất khả kháng”, ông nói.

An Huy

Nguồn: vneconomy.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC