Ở Đức, giáo sư không phải là một nghề có thể học được. Ứng viên phải đi qua con đường dài gập ghềnh, đầy gian khó, lao động nghiêm túc, có lòng kiên nhẫn cao độ và thành tích nổi trội.

Ở đất nước này, GS thường là công chức hay viên chức.

Ngạch viên chức dành cho các vị GS công tác tại các trường đại học (ĐH) tư hoặc những vị làm ở trường ĐH công lập nhưng còn thiếu điều kiện trở thành công chức. Hầu hết "ghế GS" tại Đức đều do các nhà KH là GS công chức "ngồi", có biên chế lâu dài. Một số GS chỉ là GS viên chức.

Có GS mới phong phải trải qua thời gian thử thách. Chức danh GS ở Đức không phải là điều kiện mặc nhiên để có công việc mãi mãi tại trường ĐH. Việc trả lương tuy đã có barem (ngạch C hoặc W) nhưng lương GS cao hay thấp bao nhiêu còn tuỳ thuộc từng tiểu bang.

Chuyện giáo sư ở Đức - 0

Trường ĐH Leipzig, CHLB Đức

Quy trình cơ bản để bổ nhiệm GS tại Đức

Điều kiện tiên quyết là, ứng viên phải tốt nghiệp ĐH. Người ta phân biệt GS làm việc ở hai hệ đào tạo cấp này. Khi còn làm trợ lý khoa học (nghiên cứu và giảng dạy tại một trường ĐH ở Đức), tác giả đã có dịp được dự thính buổi giảng bài thử của ứng viên.

Viết hai luận văn ở hai cấp độ 

Bước đầu tiên dẫn tới “ghế GS" còn khá xa là công trình nghiên cứu KH với đề tài tự chọn, tự triển khai. Khi hoàn thành công việc, nghiên cứu viên nộp cho Hội đồng khoa học của trường một quyển luận văn chất lượng tốt. Phải có ít nhất một điểm mới hoặc lý tưởng là, kết quả nghiên cứu mang tính đột phá.

Chỉ có như vậy nghiên cứu viên mới được phép bảo vệ luận văn. Nếu đề tài nghiên cứu chỉ ở tầm thấp hay người nghiên cứu chỉ viết lại những điều thế giới đã biết thì quyển luận án có dày bao nhiêu trang cũng không thể trở thành một luận án phó tiến sĩ (PTS)/ tiến sĩ (TS).

GS hướng dẫn biết rõ luận án có xứng tầm được bảo vệ hay không.

Tấm bằng PTS là một minh chứng xác tín cho năng lực tư duy, khả năng lao động khoa học độc lập của ứng viên.

Sau khi trở thành PTS, ứng viên đã có cơ hội trở thành GS trẻ mà chưa có học vị TS.

Từ nhu cầu công việc chọn người 

Nhà trường công bố công khai, minh bạch "ghế GS" trống trên các phương tiện thông tin, kể cả nhật báo, tìm người có khả năng thích ứng chiếm lĩnh ghế đó.

Bài giảng thay vì cuộc phỏng vấn cá nhân 

Các ứng viên phải giảng bài thử trước hội đồng khoa học cuả trường. Tiếp theo, ứng viên trả lời các câu hỏi chuyên môn.

Khi hội đồng tìm được người thích hợp nhất cho chỗ trống nói trên, ứng viên nhận được chức danh GS do trường hoặc do chính phủ phong, tuỳ theo chế độ biên chế. Sau khi trao bằng, ứng viên được quyền xưng tụng là GS.

Giáo sư tại các trường ĐH không được cấp học vị PTS/TS

CHLB Đức có hai hệ thống trường ĐH: Một hệ bao gồm các trường, viện có quyền cấp học vị PTS/TS theo luật định.

Hệ thứ hai (viết tắt FH). Đặc điểm nổi bật cuả hệ này: Các trường hay học viện không được đào tạo TS/PTS. Các công ty cuả Đức ưa tuyển dụng hàng ngũ kỹ sư, cử nhân "ra lò“ từ hệ này vì họ có nhiều kỹ năng thực tế, lương trả thấp hơn lương kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp hệ kia.

Trường hợp ngoại lệ: Nếu kỹ sư hay cử nhân tốt nghiệp hệ FH có thành tích khoa học rất xuất sắc thì cũng có cơ hội được trở thành PTS/TS. Họ nộp bài và bảo vệ ở trường có hội đồng bảo vệ. Có vị GS được phong vượt cấp, là GS - kỹ sư chứ không phải GS - TS.

Chỉ có thể trở thành GS, làm việc tại các chuyên ngành cuả trường FH mà ứng viên không có học vị PTS/TS, nếu các chuyên ngành đó không đào tạo PTS/TS, như kiến trúc, nghệ thuật và thiết kế. Các giải thưởng lớn về chuyên môn, những lần trưng bày thành công rất lớn cuả ứng viên có thể coi là thành tích để thay thế các công trình khoa học cho họ.

Chuyện giáo sư ở Đức - 1
Đại học Tổng hợp Mannheim, CHLB Đức

 

Hàng ngũ đông đảo, thành phần đa dạng

Năm 2016, CHLB Đức có 35.880 nam GS chính nghề (77%) và 10.965 nữ GS chính nghề (23%) nghiên cứu và/hoặc giảng dạy tại 428 trường ĐH công lập, ĐH tư hay học viện được nhà nước công nhận.

Ngoài ra còn có 3.399 giảng viên tư và trợ lý khoa học, 182.129 cộng tác viên khoa học và nghệ thuật, 10.035 cán bộ giảng dạy chuyên ngành đặc thù, 1.825 GS khách và GS hưu trí, 99.097 người có nhiệm vụ giảng dạy và 43.432 người trong lực lượng khoa học phụ trợ. Dưới 10 % các nhà khoa học này là GS và chỉ có 7,8% làm việc với biên chế dài hạn cũng như có thời gian biểu rõ ràng. Hàng ngũ GS ở Đức không có PGS (associate professor).

Lực lượng GS nước này gồm nhiều thành phần. Việc phong chức danh khá mởđể tận dụng hết nguồn lực:

GS ĐH tổng hợp (Univ.-Prof.) là chức danh công vụ đối với giáo viên ĐH dùng trong các trường ĐH tổng hợp ở các tiểu bang cuả Đức. Tại Bayern (Bavaria), theo luật định, hầu hết các vị GS có ghế giảng dạy đều có ngân sách hằng năm khá lớn để phân bổ cho cán bộ khoa học là nhân viên thuộc cấp cuả họ.

GS ngoại lệ (apl. Prof.), người Việt Nam quen khái niệm GS ngoại ngạch, là chức danh phong cho các vị TSKH có thành tích rất xuất sắc. Theo đúng ý nghĩa về ngôn từ thì "nội ngạch" là "trong kế hoạch", "ngoại ngạch" nghĩa là "ngoài kế hoạch". Việc phong này tuân thủ luật lệ riêng cuả từng trường ĐH. Nhà nước không can dự, thí dụ không cấp chức danh công vụ và không phải tạo việc làm cho họ.

Chi tiết này cho thấy mức độ tự quản và tự do độc lập trong học thuật của các trường ĐH Đức cao ra sao.

Một vài tiểu bang không phong chức danh GS ngoại ngạch cho các ứng viên, nếu nghề chính cuả họ đang là nghiên cứu và giảng dạy tại trường ĐH thuộc tiểu bang đó. Tại các tiểu bang khác thì trái lại, các vị TSKH mới nhận chức danh công vụ là GS công chức hay GS viên chức trong biên chế thì thường được phong hàm GS ngoại ngạch.

Không phải ở tiểu bang nào họ cũng có quyền xưng tụng là GS mà tự tiện bỏ đi các danh xưng kèm theo. GS không kèm thêm danh xưng là chức danh GS của các trường ĐH đẳng cấp khác nhau, chẳng hạn ĐH tổng hợp, ĐH hệ FH, ĐH nghệ thuật, ĐH âm nhạc hay các học viện. Danh xưng kèm theo chỉ liên quan đến thang lương.

GS từ giảng viên tư (PD) là các vị TS đã kí hợp đồng nghiên cứu và giảng dạy độc lập với một trường ĐH. Việc phong GS cho hàng ngũ này phải có sự đồng thuận cuả bộ phụ trách.

Ở một số khoa cuả một số trường ĐH, công việc phong GS không phải tuân thủ theo khoảng thời gian (mùa) nhất định mà theo thời gian ứng viên hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn, trong đó có số bài báo giá trị cao đã công bố, ứng viên đã hoàn thành luận án TSKH.

GS từ giảng viên tư thường là ứng viên ngành y. Các bác sĩ chuyên khoa cao cấp là GS thường dễ dàng trở thành bác sĩ kiêm lãnh đạo và phó giám đốc bệnh viện, kiêm cả công tác giảng dạy.

GS thiện nguyện được phong để ứng viên có ghế giảng dạy ĐH mà nguồn kinh phí cấp cho họ không thuộc ngân sách của trường. Một phần hay toàn bộ nguồn tài trợ đến từ bên ngoài. Các vị GS đó làm việc, giảng dạy với kinh phí do tổ chức thiện nguyện chi, thí dụ nhà thờ, công đoàn hay các công ty. Năm 2016, nước Đức có 806 GS thiện nguyện, trong đó 488 vị được ngành kinh tế và 318 vị được các cơ quan thiện nguyện chu cấp kinh phí.

GS trợ lý (assistant Prof.) thuộc hàng ngũ GS trẻ, nghiên cứu khoa học và giảng dạy với tính độc lập rất cao. Do thay đổi đạo luật khung về cấp đại học vào năm 2002, hiện nay hợp đồng có thời hạn 6 năm cuả họ đã được thay đổi. Họ là GS công chức hay viên chức trong biên chế. Tuy vậy vấn đề này cũng thuộc quyền quyết của từng tiểu bang.

GS cao niên (senior Prof.) là chức danh cuả các vị GS đã đến tuổi hưu nhưng chưa có ai thay thế trên một lĩnh vực chuyên ngành. Các tiểu bang và từng trường đại học có luật điều hành riêng cho hàng ngũ này.

Lớp GS cao niên không có lương cố định mà hưởng mức thu nhập áp dụng cho nghề phụ, tuỳ theo số giờ giảng bài. Họ có thể làm việc tại trường cũ song cũng có thể ký hợp đồng làm việc với truờng khác hay công ty nào đó.

GS thù lao (Hon.-Prof.) là giảng viên đại học theo dạng nghề tay trái. Do có thành tích xuất chúng trên lĩnh vực khoa học hay nghệ thuật ngoài phạm vi trường đại học mà họ được trường tuyển mộ và phong chức.

Họ được quyền xưng tụng là GS (Prof.) không kèm thêm danh xưng. Về căn bản họ chỉ nhận thù lao chứ không có tên trong danh sách biên chế, danh sách lương cuả trường. Sau khi thôi hợp tác, họ chỉ giữ lại danh xưng GS với điều kiện đã được chuẩn y. Hàng ngũ này giúp tận dụng nguồn chất xám cao cấp cuả các vị lãnh đạo trong kinh tế, chính trị, y tế …

GS thỉnh giảng (visiting Prof.) nguyên nghĩa tiếng Đức là GS khách, bao gồm các vị GS làm việc tại một trường đại học ngoài nước, hầu hết thông qua trao đổi, hợp tác khoa học hay dự án hợp tác nghiên cứu khoa học. GS thỉnh giảng cũng có thể là người nhận "ghế GS" có thời hạn ở trường khác. Có vị được trường khác giao nhiệm vụ giảng dạy lâu dài.

GS đại diện là nhà khoa học hay nghệ nhân được trường tuyển dụng với hợp đồng có thời hạn. Việc tiếp nhận, phong chức cho họ không phụ thuộc vào quy trình "xin việc" như thông lệ. Trong thời gian làm đại diện, tuỳ theo từng tiểu bang, cán bộ khoa học hay nghệ nhân được quyền mang danh xưng GS nhưng không có quyền đòi hỏi trường biên chế lâu dài (tương tự hợp đồng đã ký với người mang hàm GS với ngạch lương W2/W3).

GS đại diện phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của vị GS chính.

Nhà trường thông báo công khai, khi cần phong, tuyển dụng nếu như có vị GS chính sắp về hưu hoặc chuyển đi nơi khác. "Ghế GS" này được trao cho nhà khoa học với bậc hàn lâm PTS, thường là cấp TS. Họ làm việc cho trường theo chế độ GS viên chức.

Chuyện giáo sư ở Đức - 2
Sinh viên đại học Münster, CHLB Đức

GS danh dự (Prof. h.c.) là phẩm hàm phong cho bác học tầm cỡ quốc tế do có công lao to lớn thúc đẩy một chuyên ngành phát triển. Các vị này cung cấp kiến thức rất mới mẻ cho nghiên cứu khoa học.

Ngày nay một số chính khách, nghệ nhân nhà nước, kể cả các nhà khoa học và nghệ nhân làm việc độc lập, có công lao và thành tích đặc biệt lớn cũng được phong hàm này. GS danh dự không có nghĩa vụ giảng dạy.

Theo luật cuả Đức, học vị PTS/TS danh dự (Dr. h.c.) do trường ĐH cấp nhưng chức danh GS danh dự cũng như GS nội ngạch lại thuộc Bộ văn hoá hay Bộ GD và đào tạo từng tiểu bang phụ trách phong.

GS kiêm nhiệm vừa có chỗ làm việc tại một trường ĐH vừa làm lãnh đạo ở một cơ sở bên ngoài. Họ nhận lương do cơ quan bên ngoài trả và sau này lương hưu cuả họ do tiểu bang chi. Thời lượng giảng bài của họ tại trường ĐH cũng ít đáng kể.

GS lãnh đạo công sở nhà nước và giám đốc viện bảo tàng là những vị mang chức danh công vụ "GS - Giám đốc", "GS - Chủ tịch“ hoặc "GS - Giám đốc viện bảo tàng". Ngạch GS này thường trùng với ngạch GS kiêm nhiệm.

GS hưu trí - theo luật pháp Đức quy định: Khi đến tuổi hưu (bắt đầu ở tuổi 63, muộn nhất tuổi 75), các GS ngày nay phải nghỉ theo chế độ. Nếu có kiến thức uyên thâm và sức khoẻ còn tốt thì trong khoảng độ tuổi kể trên, GS công vụ có quyền trở thành GS với danh xưng viết tắt là em.Prof. Hàng ngũ này cuả Đức chỉ còn vài trường lẻ tẻ đã được phong lần đầu trước 1975. Họ được thôi nghĩa vụ giảng dạy những vẫn có thể giảng bài, đào tạo PTS/TS.. Lương trả cho họ cũng giảm đi một chút. Các vị GS cao niên với danh xưng em.Prof. là những người góp công duy trì đẳng cấp cho trường.

Đa số làm việc theo biên chế tại học viện hay khoa cuả trường cũ, nơi họ từng công tác.

Tuỳ theo đẳng cấp và quy định cuả pháp luật, nhiều giáo viên ĐH của Đức được mang phẩm hàm GS trọn đời.

Vài lời kết

Đầu những năm 90 thế kỷ trước, nước Đức đang trong quy trình thống nhất toàn diện, hệ thống giáo dục ĐH được nhất thể hoá, kinh phí cấp cho vị trí "trợ lý khoa học" ở trường ĐH, nơi tôi từng theo học và làm việc, đã vào tầm 35.000 Euro một năm, được dùng để trả lương hằng tháng cho trợ lý, chi cho nghiên cứu, kể cả dụng cụ thí nghiệm, mua văn phòng phẩm…

Ý nghĩa cuả khái niệm "chức danh công vụ" ở Đức trùng với ý nghĩa khái niệm "chức vụ" trong hệ thống hành chính công ở nước ta. Khái niệm GS công chức, GS viên chức hay GS kiêm nhiệm chưa phổ biến ở Việt Nam.

Chức danh GS ở Đức có nội hàm vinh dự cá nhân bởi vì GS là người có đạo đức thanh cao, khách quan trong tư duy và hành xử.

Nếu vi phạm đạo đức, dù mới chỉ mới mang học vị TS, nhưng người ta đã có thể mất chức vụ rất cao đã được giao phó trong hệ thống hành chính công. Tại Đức có xảy ra hai cuộc từ nhiệm điển hình của hai vị bộ trưởng liên bang vì dính đến đạo văn. 

Dù là GS hay người thợ, tại Đức về đại thể người ta nhìn nhận, đánh giá một con người thông qua nhân cách và tính chuyên nghiệp cuả người đó chứ không nhìn vào bộ cánh hay "mặt tiền cuả toà nhà". Dù mới chỉ mang học vị PTS/TS, người mang đã được xã hội nể trọng, thể hiện qua ngôn từ xưng hô hàng ngày của người bản địa trong công việc.

 

TS Nguyễn Văn Tiến - Ích(Văn phòng hỗ trợ tư pháp, hành chính công và kinh tế, CHLB Đức)

Nguồn: VietnamNet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC