Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) thị sát chiến dịch tiêm liều nhắc lại tại trung tâm tiêm chủng ở Buckinghamshire, Vương quốc Anh - Ảnh: REUTERS
UKHSA cho biết trong khoảng sáu tháng sau khi tiêm liều thứ hai của bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào, khả năng bảo vệ trước nguy cơ tử vong do biến thể Omicron là khoảng 60% ở những người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên khoảng 95% trong hai tuần sau khi tiêm liều nhắc lại.
UKHSA cho biết thêm liều nhắc lại cũng giúp giảm tỉ lệ nhập viện do COVID-19. Hiệu quả ngăn ngừa nhập viện là khoảng 90% đối với mũi tiêm của Pfizer-BioNTech, giảm xuống còn 75% trong 10-14 tuần sau khi tiêm liều nhắc lại.
Đối với mũi tiêm của Moderna, hiệu quả ngăn ngừa nhập viện là 90-95% cho đến 9 tuần sau khi tiêm nhắc lại.
"Có bằng chứng rõ ràng cho thấy vắc xin bảo vệ tất cả chúng ta trước tác động của COVID-19 và liều nhắc lại tăng khả năng bảo vệ trước nguy cơ nhập viện và tử vong ở những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta", TS Mary Ramsay từ UKHSA cho biết.
UKHSA cũng đưa ra phân tích ban đầu về hiệu quả của vắc xin trước biến thể phụ của Omicron là BA.1 và BA.2 - chủng đang lây lan nhiều ở Anh và Đan Mạch.
"Sau khi tiêm hai liều, hiệu quả tương ứng là 9% và 13% đối với BA.1 và BA.2, sau hơn 25 tuần - UKHSA cho biết - Con số này tăng lên 63% đối với BA.1 và 70% đối với BA.2 từ hai tuần sau khi tiêm liều nhắc lại".
ECDC cũng có quan điểm tương tự UKHSA, cho biết liều nhắc lại có thể giảm tới 800.000 ca nhập viện vì COVID-19 trong tương lai ở châu Âu.
"Việc triển khai tiêm liều nhắc lại vào đầu tháng 1 có thể giảm ít nhất nửa triệu người nhập viện vì Omicron trong tương lai", ECDC cho biết.
Theo Hãng tin Reuters, khoảng 70% trong số 450 triệu người dân EU đã tiêm 2 liều vắc xin và một nửa dân số đã tiêm liều nhắc lại.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online