Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn một giải pháp đối thoại cho xung đột hiện nay ở Ukraine và thỏa thuận ngũ cốc có thể mở đường cho điều này.

"Tin tốt là Điện Kremlin muốn một giải pháp đối thoại. Thành công đầu tiên là thỏa thuận ngũ cốc, nó có thể dần mở đường cho thỏa thuận ngừng bắn", Guardian dẫn lời cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, người vừa có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước, cho biết.

Thỏa thuận ngũ cốc mà ông Schroeder đề cập đến là thỏa thuận giữa Nga và Ukraine hồi cuối tháng 7 nhờ nỗ lực trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thỏa thuận này, các bên cam kết đảm bảo hành lang an toàn cho tàu chở ngũ cốc ra vào hai cảng của Ukraine, khôi phục hoạt động xuất khẩu ngũ cốc vốn bị gián đoạn hơn 5 tháng qua. Hôm 1/8, chuyến tàu chở ngũ cốc của Ukraine đã rời cảng Odessa lần đầu tiên kể từ khi xung đột giữa 2 nước nổ ra. Con tàu dự kiến đến eo biển thuộc vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó được kiểm tra ở Istanbul trước khi tiếp tục đến Lebanon.

Mặc dù vậy, ông Schroeder cho rằng, giải pháp cho các vấn đề quan trọng như bán đảo Crimea phải cần thêm thời gian "Có thể không phải 99 năm, nhưng có khả năng là đến thế hệ tiếp theo". Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Trong vòng đàm phán hồi tháng 3 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nga một lần nữa khẳng định, vấn đề Crimea là "không thể thương thuyết". Moscow cũng nêu rõ lập trường rằng, Kiev phải cam kết trung lập vĩnh viễn, không gia nhập các liên minh quân sự như NATO, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ.

Theo ông Schroeder, để xoa dịu căng thẳng, Ukraine nên cân nhắc thay vì tìm cách gia nhập NATO, nước này có thể áp dụng mô hình quốc gia trung lập có vũ trang như Áo.

1 Cuu Thu Tuong Duc Tong Thong Putin Muon Doi Thoai Ngung Ban O Ukraine

Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, tương lai của vùng Donbass, miền Đông Ukraine - nơi diễn ra giao tranh khốc liệt nhiều tháng qua, có vẻ phức tạp hơn. Nga và lực lượng ly khai đã kiểm soát phần lớn Donbass. Kể từ tháng 4, Nga cũng dồn lực lượng về đây với mục tiêu được cho là kiểm soát hoàn toàn khu vực này. Ông Schroeder cho rằng, Ukraine có thể cân nhắc mô hình bán tự trị với Donbass.

Ông Schroeder là thủ tướng Đức từ năm 1998 đến năm 2005. Ông là bạn của Tổng thống Putin và có quan điểm phản đối xung đột Nga - Ukraine. Ông từng lên tiếng ủng hộ một giải pháp ngoại giao về cuộc xung đột ở Ukraine và nhấn mạnh không có ý định từ bỏ khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Putin.

Tuần trước, ông đã đến Nga và gặp gỡ chủ nhân Điện Kremlin. Mục đích của chuyến đi được tin là nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng khí đốt hiện nay mà Đức và các nước châu Âu phải đối mặt khi Nga cắt giảm nguồn cung. Đức là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Nga siết nguồn cung khí đốt để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo Reuters, Guardian

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC