Các ngân hàng Đức đang đứng trước yêu cầu xem xét lại mô hình kinh doanh và cắt giảm chi phí khi nguồn tín dụng lãi suất thấp từ ECB đã phơi bày điểm yếu của hệ thống ngân hàng nước này.

 

Lợi nhuận của những ngân hàng một thời đình đám ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này gần như là thấp nhất trong số các ngân hàng trong khu vực.

Gần 2.000 ngân hàng thương mại, tương hỗ và thuộc sở hữu chính phủ của Đức, có biên lợi nhuận mỏng nhất. 

Trong nhiều năm, chiến lược của hầu hết các ngân hàng Đức là lôi kéo khách hàng mới bằng việc mở tài khoản miễn phí và thưởng tiền mặt cho việc chuyển ngân hàng. 

Các ngân hàng nước này sử dụng biên khoản chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi để tài trợ cho các hoạt động bán lẻ và hệ thống thanh toán.

Khi lãi suất tăng lên, mô hình đó đã che đậy cho tình trạng kém hiệu quả trong các hoạt động của ngân hàng. 

Điểm yếu của các ngân hàng Đức bị phơi bày - 0

Ngân hàng Raiffeisen Gmund đã thông báo sẽ tính phí gửi tiền đối với các khách hàng giàu có. Ảnh: EPA

Theo Moody's, chi phí của các ngân hàng Đức ngốn khoảng 73% doanh thu, so với mức 64% của phần còn lại trong Khu vực sử dụng đồng euro vào năm 2015.

Tỷ lệ chi phí trên doanh thu này vượt mức trung bình của khối trong năm năm qua. 

Tuy nhiên, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp dụng mức lãi suất âm đã cho thấy sự phụ thuộc của các ngân hàng Đức vào lãi suất và làm giảm nguồn thu cần để đầu tư cho những cải tiến và đảm bảo rằng các ngân hàng có khoản dự trữ bắt buộc phòng tình huống xấu.

Sức ép này được cho là có thể sẽ dẫn tới các vụ sáp nhập và đóng cửa ngân hàng trong thời gian tới, bên cạnh việc các ngân hàng cũng sẽ cần áp dụng các chiến lược mới.

Đầu tháng này, ngân hàng Raiffeisen Gmund, một trong hơn 1.000 ngân hàng hợp tác xã của Đức, đã phá tiền lệ, khi thông báo sẽ tính phí gửi tiền đối với các khách hàng giàu có, do không muốn cắt giảm dịch vụ hay sáp nhập với các ngân hàng khác.

Postbank, một trong những ngân hàng đi tiên phong trong việc duy trì tài khoản miễn phí cho khách hàng, tháng này đã áp dụng mức phí 3,9 euro/tháng đối với 5,3 triệu chủ tài khoản.

Các ngân hàng khác đang tăng đầu tư vào các sản phẩm số, nhưng chưa muốn bỏ các chi nhánh thực tế sử dụng nhiều lao động.

Theo nhà phân tích Katharia Barten của Moody's, mỗi ngân hàng đang theo đuổi chiến lược tăng trưởng, nhưng với sự bão hòa của thị trường và nhu cầu thấp, không có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi lợi nhuận và đây sẽ vẫn là vấn đề.

Cắt giảm chi phí thông qua cắt giảm chi nhánh, nhân công và các sản phẩm là đòn bẩy chính mà các ngân hàng tiếp tục có thể sử dụng.

HVB của UniCredit đã đóng cửa một nửa số chi nhánh và Deutsche Bank đang nhanh chóng làm điều này.

Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank, tổng các chi nhánh ngân hàng đã giảm khoảng 1.300 trong năm ngoái, xuống còn 34.000.

Các vụ sáp nhập và đóng cửa có kiểm soát các ngân hàng phá sản được cho là sẽ sàng lọc các ngân hàng ở Đức trong vài năm tới. 

Theo Lê Minh
BNews/ Reuters




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC