Lầu Năm Góc mới đây tiết lộ số lượng cụ thể các tổ hợp phòng không IRIS-T mà Quân đội Ukraine đã tiếp nhận.
Mặc dù chính phủ Đức thông báo mới chỉ có duy nhất 1 tổ hợp IRIS-T trực chiến ở Ukraine, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ lại công bố thực chất 4 hệ thống phòng không loại này đã được chuyển giao.
"Gần đây nhất, theo quan điểm của các đối tác quốc tế, Đức đã bàn giao 4 hệ thống IRIS-T cho Ukraine", một đại diện của Lầu Năm Góc cho biết (theo các điều khoản của cuộc họp, tên và chức vụ của người phát biểu được giấu kín, ông ta xuất hiện với tư cách đại diện cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Việc chuyển giao các tổ hợp IRIS-T được đề cập khá nhiều trong thời gian qua, Đức đã cam kết cung cấp cho Ukraine tổng cộng 4 hệ thống, nhưng quá trình bàn giao sẽ kéo dài do còn phải sản xuất mới.
Đồng thời, thông tin Đức đã cung cấp cho Ukraine tới 4 hệ thống phòng không IRIS-T SLM được giải thích bằng sự bất thường với tuyên bố của nhà sản xuất Hensoldt về việc giao 4 đài radar TRML-4D cho đối tác, trong khi mỗi hệ thống chỉ cần 1 đài.
Trong điều kiện này, chỉ có thể giả định rằng 3 đài radar TRML-4D bổ sung sẽ đơn giản là tăng cường khả năng giám sát không phận Ukraine, và sẽ được tích hợp vào thành phần tác chiến với sự xuất hiện của những tổ hợp IRIS-T tiếp theo.
Sự hiện diện của 4 tổ hợp IRIS-T được xem như giải thích đầy đủ cho việc "dịch chuyển tức thời" đối với hệ thống phòng không nói trên. Theo báo cáo chính thức, đã ghi nhận hơn 1 tổ hợp có mặt tại các địa điểm trên đất Ukraine và tham gia chiến đấu.
Cũng phải nhắc đến tuyên bố của Thủ tướng Olaf Scholz tại lễ khai mạc diễn đàn doanh nghiệp Đức - Ukraine lần thứ năm về tái thiết nước này tại Berlin hôm 24/10/2022, ông Scholz thông báo sẽ có thêm 3 hệ thống IRIS-T nữa được chuyển giao cho Ukraine "sớm nhất có thể".
Trong tình huống này, một câu hỏi hợp lý được đặt ra, đó là việc sản xuất các tổ hợp IRIS-T nhanh chóng đến như vậy để bàn giao cho Ukraine, trong điều kiện năng lực chế tạo của Đức khá hạn chế liệu có chính xác?
Không loại trừ khả năng cơ cấu tác chiến được lực lượng vũ trang Ukraine áp dụng thực tế có sự khác biệt so với biên chế tiêu chuẩn của một tổ hợp tên lửa phòng không IRIS-T.
Mỗi khẩu đội IRIS-T bao gồm 4 bệ phóng, 1 radar, 1 trạm điều khiển và một vài phương tiện hỗ trợ. Nhưng đối với trường hợp Ukraine, số bệ phóng cho mỗi hệ thống có thể chỉ còn 2 đơn vị, tức là chúng được "xé lẻ" để phân tán hỏa lực.
Khả năng thứ hai là ngành công nghiệp quốc phòng Đức đã phải làm việc hết công suất theo chế độ thời chiến do Nga liên tục tiến hành những vụ tấn công tên lửa nhằm vào Kyiv, khiến Berlin đủ khả năng giao tới 4 tổ hợp IRIS-T SLM nhanh hơn nhiều so với dự kiến.
Cuối cùng, có một lựa chọn lý thuyết khác liên quan đến thực tế là Mỹ và Đức thường không chỉ rõ việc hiện đại hóa IRIS-T, hệ thống này có thể ở phiên bản SLM hoặc SLS.
Nếu SLM là tổ hợp tầm trung, đảm bảo tiêu diệt mục tiêu ở cự ly tới 40 km nhờ thiết kế lại gần như toàn bộ tên lửa không đối không IRIS-T, thì SLS sử dụng đạn rất ít thay đổi, điều này ảnh hưởng phạm vi của nó - chỉ 12 km.
Đồng thời, phiên bản IRIS-T SLS được tạo ra cho Quân đội Thụy Điển dưới tên định danh RBS-98, có phần đơn giản hơn nhiều so với biến thể IRIS-T SLM về thành phần của tổ hợp.
Nhưng cần lưu ý rằng việc di chuyển những tổ hợp IRIS-T SLS này đến Ukraine - khác với trường hợp IRIS-T SLM, đã không được chú ý.
Theo công bố của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, hiệu suất tác chiến của hệ thống phòng không IRIS-T lên tới 90%.
Trong cuộc tấn công tên lửa lần thứ ba vừa được Nga thực hiện hôm 31/10/2022, phòng không Ukraine tuyên bố đã diệt 44 trên tổng số 50 tên lửa hành trình Kh-101 và Kh-555 được Nga phóng đi.
Dĩ nhiên con số trên sẽ cần nghiên cứu thêm về độ xác thực, nhưng các tổ hợp tên lửa phòng không IRIS-T tối tân rõ ràng đã giúp ích rất nhiều cho Quân đội Ukraine, cho dù chúng chỉ mới tham chiến.
Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô