Cơ quan chức năng của Đức tuần trước đã khá ngạc nhiên khi một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc công bố trở thành cổ đông lớn nhất tại Daimler.
Khoản đầu tư trị giá 9 tỉ đô la Mỹ đã giúp hãng sản xuất ô tô Geely, có trụ sở tại Chiết Giang, Trung Quốc, nắm giữ 9,69% cổ phần tại công ty sở hữu thương hiệu xe Mercedez-Benz.
Ông Li Shufu, 54 tuổi, là Chủ tịch Geely Holding Group, một công ty tư nhân sở hữu thương hiệu ô tô Trung Quốc Geely Automobile, và Volvo Cars, thương hiệu ô tô Thụy Điển. Ông hiện được coi là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, với tài sản ròng được Bloomberg ước tính lên tới 13,8 tỉ đô la Mỹ. Nhiều năm qua, ông Li đã nỗ lực thâu tóm một loạt tập đoàn sản xuất ô tô toàn cầu để cố biến Geely trở thành “gã khổng lồ” trong ngành sản xuất ô tô.
Geely đã đầu tư hơn 12 tỉ đô la Mỹ ở châu Âu chỉ trong hơn ba tháng qua, bao gồm cả khoản đầu tư trị giá 3,3 tỉ đô la Mỹ mà công ty này đổ vào Volvo của Thụy Điển trong tháng 12.
Khoản đầu tư tại Daimler có thể đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Đức trong năm 2018.
Ferdinand Dudenhöffer, Giáo sư điều hành một trung tâm nghiên cứu ô tô tại Đại học Duisburg-Essen, cho biết nhiều người ở Đức tỏ ra thận trọng về khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc. “Họ cần Trung Quốc - tuy nhiên, họ cũng sợ nước này”, ông nói với New York Times.
Theo một nghiên cứu của Công ty tư vấn EY, các nhà đầu tư Trung Quốc đã sở hữu 68 công ty ở Đức chỉ trong năm ngoái, trị giá khoảng 12,6 tỉ đô la Mỹ. Đây là một con số kỷ lục, hơn con số 10 năm qua cộng lại.
Lo ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc, Đức đã thắt chặt quy định liên quan tới các vụ thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài vào năm ngoái, trở thành nước đầu tiên trong Liên hiệp châu Âu làm vậy, sau một loạt giao dịch thương mại cho phép Trung Quốc quyền được tiếp cận bí quyết công nghệ của Đức.
Vậy mà giới chức Đức vẫn bất ngờ với thương vụ Daimler.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư buộc phải thông báo cho chính quyền Đức khi họ sở hữu số cổ phần có quyền biểu quyết vượt mức 3% và phải thông báo tiếp nếu vượt mức 5%. Song, quy định này không áp dụng đối với tất cả các công cụ tài chính (financial instruments).
Hơn nữa, vì tính phức tạp trong cơ cấu của khoản đầu tư nên tới nay vẫn không rõ ông Li sẽ nắm giữ bao nhiêu phần trăm quyền biểu quyết.
Trong bài phỏng vấn với tuần báo Đức, Bild am Sonntag, ông Li đã phủ nhận thông tin cho rằng ông sẽ gây ảnh hưởng tới Daimler bằng việc nắm giữ một ghế trong hội đồng quản trị của công ty này, nơi mà những vấn đề chiến lược được bàn thảo.
“Tôi tôn trọng văn hóa của Daimler. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi một ghế trong hội đồng quản trị và đây không phải là mục tiêu ưu tiên của tôi”, ông Li nói.
Dù vậy, theo Reuters, Cơ quan giám sát tài chính liên bang Đức, Bafin, vẫn đang trong quá trình điều tra xem liệu thương vụ trên có vi phạm các quy tắc công bố thông tin, có thể dẫn tới việc bị xử phạt lên tới 10 triệu euro hoặc hơn.
Một báo cáo của Bộ Kinh tế gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đức cho biết:
“Chính phủ liên bang sẽ xem xét liệu các quy định hiện hành có đủ tính minh bạch chưa, hoặc sẽ tiếp tục có hướng dẫn nếu cần thiết”.
Không chỉ riêng Đức, tại hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp châu Âu diễn ra tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm việc với Ý và Đức, kêu gọi thành lập một cơ chế mới tại châu Âu nhằm ngăn chặn các vụ thâu tóm không mong muốn.
Các giám đốc điều hành và chính trị gia châu Âu từ lâu đã luôn phàn nàn về việc thiếu sự tiếp cận thị trường lẫn nhau giữa châu Âu và Trung Quốc.
Trung Quốc, cho đến nay, vẫn sử dụng cơ chế chống độc quyền của mình để ngăn các nước phương Tây mua lại các công ty của họ.
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn