Với kế hoạch cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU), chính phủ Đức cảnh báo lạm phát của nước này có thể tăng đột biến trong những tháng tới.

1 Duc Canh Bao Hau Qua Kinh Te Lien Quan Goi Trung Phat Moi Nham Vao Nga

Foto: Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng tại một siêu thị ở Frankfurt, Đức (Ảnh: THX/TTXVN)

Nội các Đức ngày 4/5 đã khép lại 2 ngày họp kín thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine và những tác động đối với nền kinh tế.

Nguồn tin báo chí Đức cho biết Thủ tướng Olaf Scholz đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để có một lập trường vững vàng hơn, cả bên ngoài và trong chính phủ liên minh 3 đảng do ông đứng đầu.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Scholz nhấn mạnh Chính phủ Đức đã thảo luận về tính pháp lý nhằm đẩy nhanh phát triển khí tự nhiên hóa lỏng và dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào đầu tuần tới.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nhận định giá hàng hóa có thể tăng đáng kể nếu châu Âu cấm dầu mỏ Nga và không có gì đảm bảo rằng nguồn cung dầu trong khu vực sẽ không bị gián đoạn.

Người đứng đầu ngành kinh tế Đức cho biết Berlin ủng hộ biện pháp của châu Âu áp đặt với Nga về dầu mỏ cho dù một số nước thành viên EU ngỏ ý không tham gia lệnh cấm vận dầu mỏ này.

Theo kế hoạch, các đại sứ của 27 nước thành viên EU gặp nhau trong ngày 4/5 để xem xét gói trừng phạt mà để có hiệu lực, cần nhận được sự nhất trí của toàn bộ 27 nước thành viên.

Trước đó, chia sẻ trên Twitter cá nhân, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết trong gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, EC đề xuất các nước EU bắt đầu từ bỏ dầu của Nga, ngắt kết nối thêm 3 ngân hàng Nga, bao gồm Sberbank, ra khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT và ngừng phát sóng 3 kênh truyền hình nhà nước của Nga tại EU.

Cũng trong ngày 4/5, EC đã đệ trình đề xuất nói trên lên đại diện thường trực của 27 quốc gia thành viên EU, dự kiến sẽ đưa ra quyết định thông qua vào cuối tuần, nếu không có bất đồng nghiêm trọng.

Theo các nguồn tin ngoại giao và truyền thông châu Âu, EC đã đề xuất các nước EU chấm dứt nhập khẩu dầu thô từ Nga sau 6 tháng và dầu tinh luyện vào năm 2023.

Ngoài ra, EC cũng đồng ý về trường hợp ngoại lệ của Hungary và Slovakia, theo đó cho phép các nước này mua dầu của Nga theo các hợp đồng hiện có cho đến cuối năm 2023. Động thái này nhằm tránh để Hungary và Slovakia phủ quyết toàn bộ gói trừng phạt.

Về phía Nga, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/5 cho biết Nga đang theo dõi quá trình chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 của EU và đánh giá theo nhiều kịch bản khác nhau.

Bình luận về những thông tin liên quan gói trừng phạt thứ 6 của EU, ông Peskov cho rằng đến nay, tất cả mới chỉ là kế hoạch đang được thảo luận và Moskva đang theo dõi quá trình này.

Ông Peskov nhấn mạnh các quốc gia đang cố gắng gây tổn hại cho Nga bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng đang phải trả giá đắt và hậu quả của các biện pháp này đối với người dân châu Âu sẽ tăng lên mỗi ngày./.

Phương Hoa-Quang Vinh (TTXVN/Vietnam+)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC