Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 20/11 đã vấp phải thách thức lớn trong việc định hình chính trường nước này sau khi các cuộc đàm phán cấp cao hướng tới thành lập một chính phủ liên minh đã sụp đổ.
Nền kinh tế lớn nhất của châu Âu hiện nay đang phải đối mặt với nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng tê liệt với một chính quyền sắp mãn nhiệm và không thể thực hiện bất cứ chính sách táo bạo nào.
Trong khi không có liên minh chính trị nào là khả thi, Đức có thể bị buộc phải tổ chức một cuộc bầu cử mới – kèm theo nguy cơ kết quả sẽ không còn được như tháng 9 vừa qua.
Đức chìm trong khủng hoảng: Thủ tướng Angela Merkel gặp nguy - ảnh 1 Kết quả bầu cử Đức tháng 9 vừa qua đã khiến các chính đảng phải đàm phán để xây dựng chính phủ liên minh.
Chính sách mở cửa đối với người nhập cư của Thủ tướng Đức Merkel đang khiến bà phải trả giá đắt. Ảnh: Reuters
Sau cuộc bầu cử tháng 9, bà Merkel đã buộc phải tìm kiếm một liên minh với các chính đảng “cứng rắn” do đảng của bà không giành đủ đa số phiếu. Và sau hơn một tháng đàm phán liên tục, nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ tự do Đức FDP, Christian Lindner, đã rời khỏi bàn đàm phán, nói rằng không có "cơ sở tin cậy nào" để tiến tới một chính phủ với liên minh bảo thủ CDU-CSU của bà Merkel và đảng Xanh thân môi trường.
"Việc không lãnh đạo tốt hơn là có một thỏa thuận lãnh đạo tồi" và các bên không chia sẻ "một tầm nhìn chung về tiến trình hiện đại hóa" nước Đức.
Tiếc nuối vì quyết định của FDP, bà Merkel cam kết sẽ đưa nước Đức vượt qua cuộc khủng hoảng. Bà nói: "Với tư cách là Thủ tướng, tôi sẽ làm mọi điều để đảm bảo rằng đất nước có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này".
Các nhà lãnh đạo đảng Xanh cũng bày tỏ lo ngại về sự sụp đổ của tiến trình đàm phán, nói rằng họ vẫn tin rằng một thỏa thuận có thể được thực hiện bất chấp những khác biệt.
Thất bại đã hiện hữu
Các cuộc thương lượng, ngày càng trở nên gay gắt, đã vấp phải bất đồng về một loạt các vấn đề, bao gồm chính sách nhập cư.
Chính sách tị nạn tự do của bà Merkel đã dẫn đến việc hơn một triệu người đổ tới Đức để đăng kí tị nạn từ năm 2015 tới nay. Chính sách này cũng đã khiến một số cử tri chuyển sang ủng hộ đảng cực hữu Sự lựa chọn cho nước Đức AfD - với chính sách chống Hồi giáo và nhập cư trong cuộc bầu cử tháng 9 vừa qua.
Trong khi đó, các chính đảng cũng có nhiều khác biệt về các vấn đề môi trường, khi đảng Xanh muốn loại bỏ than bẩn và xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong, còn khối bảo thủ của bà Merkel và FDP nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ ngành công nghiệp này cùng lượng công việc đồ sộ nó đang tạo ra.
Các nhà lãnh đạo đảng ban đầu đã chốt 6 giờ tối (1700 GMT) ngày 19/11 là thời điểm đạt được nhận thức chung, tuy nhiên, hạn chót lần thứ hai này đã qua đi khi không có sự đột phá nào từ hạn chót trước đó vào ngày thứ năm tuần trước.
Trước đó, cũng đã có nhiều dấu hiệu bắt đầu xuất hiện về việc các cuộc đàm phán đang xấu đi và tờ Bild đã cho biết nói trên trang web của mình rằng "thất bại đang hiện hữu" khi các đảng kiên quyết duy trì lập trường của mình đối với những vấn đề đàm phán chính.
Bà Angela Merkel rơi vào nguy hiểm?
Bà Merkel hiện tại có thể nỗ lực thuyết phục Đảng Dân chủ Xã hội SDP – đã tham gia liên minh cùng khối của bà để thành lập chính phủ từ năm 2013, trở lại hợp tác.
Tuy nhiên, sau khi SPD thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử, giới lãnh đạo hàng đầu của đảng này đã nhiều lần nói rằng lập trường của họ hiện tại là đứng ở vị trí phe đối lập.
Bà Merkel, người đã nắm quyền trong 12 năm, cũng vẫn có thể dẫn dắt một chính phủ thiểu số mặc dù bà trước đó đã nói rằng bà không ủng hộ một sự bất ổn như vậy.
Kết quả bầu cử Đức tháng 9 vừa qua đã khiến các chính đảng phải đàm phán để xây dựng chính phủ liên minh
Do đó, Đức có thể buộc phải tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Tuy nhiên, một cuộc bầu cử mới này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bà Merkel - người sẽ phải đối mặt với những câu hỏi từ bên trong nội bộ đảng về việc liệu bà vẫn còn là ứng cử viên tốt nhất để dẫn dắt họ trong một chiến dịch bầu cử mới hay không.
Nhật báo Bild cho biết ngày 19/11 rằng việc không thành công khi xây dựng “liên minh sắc màu” khiến “vị trí Thủ tướng của bà rơi vào nguy hiểm”.
Một cuộc thăm dò ý kiến của Welt trực tuyến cũng cho thấy rằng 61,4% số người tham gia khảo sát nói rằng sự sụp đổ của tiến trình đàm phán đồng nghĩa với việc chấm dứt vị trí Thủ tướng của bà Merkel. Chỉ có 31,5% có suy nghĩ khác biệt.
Trong bối cảnh cuộc đàm phán xây dựng liên minh kết thúc mà không có một bước đột phá nào, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã đưa ra một cảnh báo đối với tất cả các bên tham gia đàm phán về trách nhiệm của các chính đảng và việc cử tri sẽ không còn tin tưởng giao nhiệm vụ cho họ.
Nhật báo Sueddeutsche lưu ý rằng cảnh báo của ông Steinmeier được đưa ra vì ông ấy nhìn thấy trong một cuộc bầu cử mới sẽ kèm theo "nguy cơ: thậm chí một liên minh rộng hơn hay liên minh sắc màu đều sẽ không thể chiếm đa số" – có nghĩa rằng, số phiếu sẽ ngày càng bị chia lẻ và việc xây dựng một chính phủ sẽ ngày càng khó khăn hơn.
"Sự mất mát đó sẽ lớn hơn thất bại của việc xây dựng nên một chính phủ", tờ báo này cho hay.
Nguồn: Tổ Quốc/ AFP