Tòa tháp màu gỉ sắt mọc lên từ một khu công nghiệp gần bờ sông Spree của Berlin trông không khác gì những chiếc bình mà người Đức dùng để pha cà phê. Thực chất mục đích của toà tháp này là nhằm sưởi ấm cho dân Đức trong suốt cả ngày, đặc biệt là khi trời trở lạnh.
Theo hãng tin AP, toà tháp cao 45 m và chứa tới 56 triệu lít nước nóng. Công ty tiện ích Vattenfall cho biết công trình này sẽ giúp sưởi ấm cho rất nhiều ngôi nhà ở Berlin vào mùa đông năm nay, nếu nguồn cung khí đốt của Nga cạn kiệt.
Bà Tanja Wielgoss, Giám đốc cấp cao của Vattenfall, cho hay: “Đó là một bình giữ nhiệt khổng lồ giúp chúng tôi dự trữ nhiệt khi không cần thiết. Và khi cần, chúng tôi có thể sử dụng nó để sưởi ấm”.
Các hệ thống sưởi ấm của Đức - vốn dùng nhiên liệu là than, khí đốt hoặc chất thải, đã tồn tại hơn một thế kỷ qua. Song, chúng hầu hết không được thiết kế để lưu trữ nhiệt lượng lớn.
Thay vào đó, các cơ sở trên chỉ đốt cháy nhiên liệu để tạo vừa đủ lượng nhiệt mà người tiêu dùng cần. Mặt khác, quá trình đó lại phát thải lượng lớn khí nhà kính ra môi trường và khiến Trái đất nóng dần lên theo thời gian.
Toà tháp khổng lồ hoạt động như một "bình giữ nhiệt" khổng lồ giúp người dân Berlin sưởi ấm trong mùa đông. (Ảnh: AP).
Ngược lại, toà tháp khổng lồ tại nhà máy Vattenfall sẽ giữ nước ở nhiệt độ sôi bằng cách sử dụng điện năng từ các nhà máy năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên khắp nước Đức.
Khi năng lượng tái tạo tại Đức vượt quá nhu cầu tiêu thụ, “bình giữ nhiệt” tại Vattenfall sẽ hoạt động hiệu quả như một khối pin khổng lồ, mặc dù thay vì trữ điện, nó sẽ lưu trữ nhiệt, AP giải thích.
Bà Wielgoss nói thêm: “Đôi khi có một lượng điện dồi dào trong các lưới điện mà bạn không thể dùng được, và khi đó bạn cần phải tắt các tuabin gió. Đó chính là thời điểm toà tháp của chúng tôi có thể tiếp nhận lượng điện dư thừa đó”.
Quang cảnh bên trong toà tháp tại Vattenfall. (Ảnh: AP).
Cơ sở trên trị giá khoảng 50 triệu euro (tương đương 52 triệu USD), có công suất nhiệt khoảng 200 megawatt - đủ để đáp ứng nhu cầu nước nóng của đa phần người dân Berlin trong mùa hè và khoảng 10% nhu cầu trong mùa đông.
Bà Wielgoss cho biết toà tháp cũng có thể sẽ sử dụng các nguồn nhiệt khác, chẳng hạn như nguồn nhiệt chiết tách từ nước thải. Hiện tại, đây sẽ là cơ sở lưu trữ nhiệt lớn nhất châu Âu khi hoàn thiện vào cuối năm. Ngoài ra, còn một cơ sở lớn hơn đang được lên kế hoạch ở Hà Lan.
Bà Bettina Jarasch, quan chức hàng đầu về khí hậu của Berlin, cho biết Đức nên xây dựng các hệ thống trữ nhiệt như vậy càng nhanh càng tốt. Bà nói: “Do vị trí địa lý, khu vực Berlin thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hoá thạch của Nga so với các vùng khác của Đức. Đó là lý do chúng tôi cần phải thật nhanh chân”.
“Chiến sự tại Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay cho thấy chúng tôi phải hành động nhanh hơn. Trước hết, chúng tôi phải trung hoà khí thải nhà kính và sau là độc lập hơn về mặt nhập khẩu năng lượng”, vị quan chức nhấn mạnh.
Các số liệu do hiệp hội BDEW - một tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp sản xuất điện của Đức, công bố cho thấy nỗ lực giảm sử dụng khí đốt tự nhiên của nước này đang có hiệu quả. Tiêu thụ khí đốt trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Một phần của mức giảm đến từ việc thời tiết trở nên ôn hoà hơn. Tuy nhiên, BDEW lưu ý rằng ngay cả khi nhiệt độ ấm hơn, thì tiêu thụ khí đốt của Đức giảm còn liên quan một phần đến việc hoạt động kinh tế đang chững lại.
Giám đốc Wielgoss tin tưởng rằng các khách hàng của Vattenfall sẽ không phải chịu cảnh lạnh lẽo trong mùa đông năm nay, bất chấp nguy cơ Nga siết chặt dòng chảy khí đốt sang châu Âu hậu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bà bày tỏ: “Các khách hàng của chúng tôi tại Đức sẽ được bảo vệ. Họ chắc chắn sẽ không bị thiếu hụt năng lượng để sưởi ấm. Nhưng tất nhiên, chúng tôi vẫn kêu gọi mọi người nên tiết kiệm năng lượng. Mỗi kilowatt giờ mà chúng ta tiết kiệm được đều sẽ có ích cho đất nước”.
Khả Nhân
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh