Cơ sở khai thác khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Yamal, Bắc Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giới chức Đức đang âm thầm chuẩn bị cho kịch bản nguồn cung khí đốt từ Nga có thể đột ngột bị cắt bất cứ lúc nào.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, công tác chuẩn bị, do Bộ Kinh tế Đức chủ trì, cho thấy tình trạng báo động cao về nguồn cung khí đốt - vốn tạo năng lượng cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đặc biệt quan trọng đối với các công ty sản xuất thép, nhựa và ôtô, đang trở nên thường trực hơn bao giờ hết.
Tính đến trước thời điểm Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đức vẫn phụ thuộc vào khoảng 55% nguồn cung khí đốt từ Nga và Berlin đang phải chịu áp lực trong việc giảm sự phụ thuộc.
Đức tuyên bố muốn tự “dứt bỏ” nguồn cung từ Nga, song dự báo vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào lượng khí đốt nhập khẩu của Moskva ít nhất đến giữa năm 2024. Hiện chưa rõ liệu Nga có dừng đột ngột nguồn cung hay không.
Nhằm giảm thiểu những tác động từ quyết định của Moskva, Chính phủ Đức thông báo sẽ hỗ trợ thêm các khoản vay cũng như đảm bảo giúp các công ty năng lượng đối phó với tình trạng giá cả tăng vọt, cũng như “bảo trợ” các công ty năng lượng trọng yếu như lọc dầu.
Trong khi đó, Đức và Qatar đã vấp phải nhiều vấn đề phức tạp trong cuộc đàm phán liên quan đến các thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong tương lai.
Đức - vốn đặt mục tiêu cắt giảm 88% lượng khí thải carbon vào năm 2040, đã không nhất trí với các điều kiện của Qatar, nhằm ký các thỏa thuận kéo dài ít nhất 20 năm để đảm bảo nguồn cung LNG mà Đức cần để giảm sự phụ thuộc của nước này đối với khí đốt của Nga.
Các cuộc đàm phán khó khăn giữa Qatar - nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới và Đức càng cho thấy những thách thức mà EU phải đối mặt trong tham vọng nhằm đa dạng hóa nguồn cung, trong bối cảnh Chính phủ Đức vật lộn để cân bằng bất kỳ thỏa thuận nào với các mục tiêu giảm carbon.
Đức tiêu thụ khoảng 100 tỷ m3 LNG mỗi năm, với khoảng 55% trong số đó nhập khẩu từ Nga và một khối lượng nhỏ hơn được nhập từ Hà Lan và Na Uy./.
Nguồn: vietnamplus.vn