Thành phố Hanover đang áp dụng nhiều biện pháp cắt giảm tiêu thụ năng lượng - Ảnh: Getty
Chia sẻ trên Twitter, thị trưởng Hanover Belit Onay cho biết mục đích của những biện pháp trên là giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống 15%, mức mà EU thông qua để đối phó với việc Nga giảm công suất đường ống Nord Stream 1 xuống còn 20% từ 27-7.
Thách thức bủa vây
Mới đây, tờ báo Đức Die Welt dẫn lời các chuyên gia kinh tế nước này cảnh báo những thách thức hiện tại như lạm phát cao kỷ lục, tình trạng thiếu lao động, sự tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu quan trọng và nguy cơ thiếu khí đốt có thể khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu rơi vào suy thoái trong năm nay.
Nord Stream 1 là nguồn cung cấp khí đốt lớn nhất cho Đức với tỉ lệ 32% (theo số liệu của Reuters cập nhật đến tháng 12-2021).
Đức đang phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề về việc cắt giảm nguồn khí đốt từ Nga. Nền kinh tế Đức dựa chủ yếu vào những ngành công nghiệp như hóa chất, ôtô hoặc thép. Tất cả những ngành công nghiệp này đều đòi hỏi Đức cung cấp một lượng nhiên liệu lớn, và hơn 2/3 trong số đó là được nhập khẩu. Chỉ tính riêng ngành công nghiệp hóa chất của Đức đã sử dụng 27% nguồn cung cấp khí đốt của cả nước.
Hơn thế nữa, phần lớn kinh tế của Đức dựa vào việc xuất khẩu. Việc các doanh nghiệp trọng điểm không thể hoạt động như trước sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường của Đức, và từ đó cũng gây ảnh hưởng rất nhiều cho người dân. Tháng 5 vừa qua, "nhà vô địch thế giới" về xuất khẩu thậm chí đã ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ năm 1991, sau khi nước Đức thống nhất.
Theo một nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nguy cơ Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên đến với Đức sẽ gây ảnh hưởng rất lớn nền kinh tế nước này. Cụ thể, viễn cảnh này có thể dẫn đến tình trạng thiếu 9% lượng khí đốt tiêu thụ của Đức trong nửa cuối năm 2022, 10% vào năm 2023 và 4% vào năm 2024.
Khi nhu cầu sử dụng khí đốt tăng cao vào mùa đông năm 2022, các doanh nghiệp sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề và có khả năng phải giảm tải mô hình hoạt động.
Nghiên cứu của IMF cũng cho rằng lượng cung cấp hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp sẽ giảm tải do nền kinh tế hoạt động bất ổn. Từ đó, GDP của Đức so với mức cơ bản có thể giảm khoảng 1,5% vào năm 2022, 2,7% vào năm 2023 và 0,4% vào năm 2024. Giá khí đốt tăng cao cũng có thể làm tăng lạm phát đến 2 điểm phần trăm vào năm 2022 và 2023.
Ngoài ra, theo Ngân hàng Thụy Sĩ UBS, việc Đức rơi vào cảnh thiếu hụt khí đốt, suy thoái kinh tế là điều khó tránh khỏi và thiệt hại có thể lên đến 6% GDP vào cuối năm 2023.
Với giá năng lượng dự kiến sẽ tiếp tục tăng và lạm phát tháng 7-2022 là 7,5%, niềm tin của nhà đầu tư vào Đức đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập niên.
Nguồn: Công ty dữ liệu ICIS tháng 12-2021. Dữ liệu: MINH TRÍ Đồ họa: N.KH.
Nhiều giải pháp tạm thời
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đang kêu gọi người dân Đức phải tiết kiệm hơn trong việc sử dụng năng lượng. Đối mặt với nguy cơ nguồn cung cấp khí đốt giảm, tại thời điểm hiện tại, các hộ gia đình, trường học và thành phố đang bắt đầu ít sử dụng máy sưởi, phân chia nước nóng, đóng cửa hồ bơi, tiết kiệm các nguồn sử dụng năng lượng.
Để giúp các quốc gia trong khối đối mặt với khó khăn về năng lượng, EU đã ký một thỏa thuận khí đốt mới với Azerbaijan vào ngày 18-7 vừa qua, theo đó Azerbaijan sẽ cung cấp 12 tỉ m3 khí đốt trong năm nay, tăng mạnh so với mức 8,1 tỉ m3 năm 2021.
Ngoài hỗ trợ từ EU, Đài DW cho biết Đức đang cân nhắc khởi động lại nguồn cung cấp năng lượng điện than. Hiện nay, Đức vẫn đang còn 151 nhà máy điện than hoạt động, mặc dù Berlin đang có kế hoạch cắt giảm nguồn điện than dần dần đến năm 2038.
Về lâu dài, Tom Krebs, một nhà kinh tế học tại Đại học Mannheim và cố vấn cho bộ tài chính của Chính phủ Đức, lập luận với tờ New York Times rằng Đức chỉ có thể trở nên cạnh tranh hơn nếu nước này quản lý tốt quá trình chuyển đổi năng lượng.
Chính phủ Đức đang thúc đẩy chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu năng lượng tái tạo sẽ đóng góp 80% sản lượng điện của cả nước vào năm 2030. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp này đã phát triển và đóng góp hơn 40% vào tổng năng lượng do Đức sử dụng.
Các chuyên gia dự đoán quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo của Đức có thể mất từ 5 đến 8 năm, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine hiện nay có thể đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn.
Ngăn chặn hiệu ứng Lehman
Tại cuộc họp báo ở Berlin cuối tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết nếu các công ty năng lượng ở Đức không thể gánh lỗ được nữa, toàn bộ thị trường có nguy cơ sụp đổ, từ đó tạo một hiệu ứng Lehman trong hệ thống năng lượng.
Ông Habeck đề cập đến công ty dịch vụ tài chính Lehman Brothers đệ đơn phá sản vào năm 2008, thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Để tránh một cuộc khủng hoảng trầm trọng xảy ra, ngày 22-7 Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp Uniper, công ty nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức. Theo đó, chính phủ cam kết mua 30% cổ phần của Công ty năng lượng Uniper.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online