EU quyết tâm cấm vận dầu Nga.
Nhiều nước thành viên EU hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng của Nga. Dù luôn quyết tâm “cai nghiện” dầu Nga nhưng cho tới nay khối 27 thành viên này vẫn chưa đạt được đồng thuận về lệnh cấm vận dầu Nga, chủ yếu vì sự phản đối của Hungary.
Hungary là nước chỉ trích mạnh mẽ nhất kế hoạch cấm vận dầu Nga. Mới đây nhất, Hungary tiếp tục thể hiện quan điểm bất đồng với các quốc gia EU khi nước này nhắc lại yêu cầu về đầu tư cho năng lượng trước khi tính đến giải pháp trừng phạt dầu Nga.
Nước này muốn nhận hàng trăm triệu euro tiền hỗ trợ từ EU để giảm thiểu thiệt hại do việc bỏ dầu thô của Nga.
EU được cho là đang cân nhắc gói hỗ trợ lên tới 2 tỷ euro (khoảng 2,14 tỷ USD) cho các quốc gia ở khu vực phía Đông EU mà không giáp biển như Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng dầu mỏ của họ nhằm thuyết phục những nước này ủng hộ lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga.
Đức ban đầu cũng phản đối lệnh cấm vận dầu Nga, nhưng gần đây đã thay đổi quan điểm của mình trong bối cảnh áp lực từ các nước đồng minh tăng lên.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck.
Tuy nhiên, ông Habeck nhấn mạnh rằng lệnh cấm vận dầu mỏ "không tự động dẫn đến" việc kinh tế Nga bị suy yếu.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, khi Washington công bố lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, giá dầu trên toàn thế giới đã tăng vọt và do đó Nga đã "bán ít dầu hơn và có nhiều doanh thu hơn trong những tuần gần đây."
Bộ trưởng Đức cho biết EU và Mỹ đang làm việc song song về đề xuất giới hạn giá dầu toàn cầu, mặc dù ông cảnh báo điều này chỉ có thể thành công nếu hầu hết thế giới cùng tham gia.
Trước đó, ông Robert Habeck bày tỏ thất vọng về việc EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sau các cuộc thảo luận kéo dài nhiều tuần qua và cho biết Đức sẵn sàng từ bỏ sự tham gia của Hungary để đẩy nhanh tiến trình.
Dù vậy, theo quy định của EU, để lệnh cấm có hiệu lực, EU cần sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách Nga vào năm 2021. Trong đó, EU nhập khẩu từ 3-3,5 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, tương đương khoản thanh toán khoảng 400 triệu USD/ngày cho Nga.
Thanh Tú (Theo DW)
Nguồn: vietnamfinance.vn