Ảnh minh họa. (Nguồn: Autoevolution).
Ngày 14/3, Đức đã khiến các thành viên Liên minh châu Âu (EU) thất vọng khi yêu cầu những thay đổi vào phút chót đối với một văn bản đã được thống nhất trước đó về việc sửa đổi các quy định ngân sách.
Đức cũng gây bức xúc cho các đối tác vào đầu tháng này khi chặn một thỏa thuận quan trọng cấm bán xe chạy nhiên liệu hóa thạch mới từ năm 2035.
Thỏa thuận đã chính thức trở thành luật nhưng Đức đã rút lại sự ủng hộ sau khi Thủ tướng Olaf Scholz chịu sức ép từ liên minh cầm quyền.
Trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính tại Brussels, Đức đã tìm cách phản đối các cải cách đối với quy tắc tài khóa.
Tháng 11 năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cải cách Hiệp ước ổn định và tăng trưởng nhằm giới hạn số tiền các nước EU có thể vay mượn.
Theo hiệp ước, thâm hụt ngân sách của nước thành viên không được vượt 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ công ở mức dưới 60% GDP.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Elisabeth Svantesson, nước đang giữ chức Chủ tịch EU, cho biết trong một cuộc họp báo rằng Đức đã yêu cầu EC tham khảo ý kiến các quốc gia thành viên một lần nữa trước khi có thể đề xuất luật cho những cải cách này.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết vẫn còn một chặng đường dài trước khi Đức có thể chấp nhận một thỏa thuận khi nền kinh tế lớn nhất của EU, lo ngại rằng các quy định mới sẽ ít nghiêm ngặt hơn và cho phép các thành viên gia tăng thêm nợ.
Hiện có những lo ngại rằng các cải cách có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để chuyển sang giai đoạn phê duyệt. Một nguồn tin châu Âu cho biết mục tiêu là công bố đề xuất vào nửa cuối tháng Tư. Sau đó, thỏa thuận sẽ được thảo luận tại Hội đồng châu Âu.
Trong khi đó, bất đồng về việc mua bán xe có động cơ đốt trong cũng chưa được giải quyết. Ngày 13/3, các bộ trưởng giao thông của tám nước EU bao gồm Séc, Đức, Hungary, Italy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania và Slovakia đã gặp nhau tại Strasbourg để tìm kiếm một thỏa thuận nhưng vẫn chưa có gì cụ thể từ các cuộc đàm phán.
Trà My