Theo Ria Novosti, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier vừa lên tiếng chống lại việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga vì tình hình xung quanh Aleppo, Syria.

 

Đức phản đối lệnh trừng phạt Nga mặc dù Mỹ cố áp đặt - 0

Đức phản đối lệnh trừng phạt Nga

Cụ thể, ông Frank-Walter Steinmeier cho rằng, nếu Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt mới chống Nga liên quan đến tình hình Syria, sẽ làm phức tạp việc giải quyết các thảm họa nhân đạo trong khu vực.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ARD, Ngoại trưởng Steinmeier tuyên bố:

"Đối với việc giải quyết các thảm họa nhân đạo tại Syria, các lệnh trừng phạt sẽ không có hiệu quả, vì khi áp các biện pháp trừng phạt, các bên sẽ không thể thành lập hành lang nhân đạo, ngược lại nó có thể làm đóng băng các cuộc đàm phán mà chúng ta đang cần."

Ngoại trưởng Đức nhận định, để giải quyết bài toán Syria cần phải tập trung vào những gì có thể làm cho dân thường, đặc biệt là ở thành phố Aleppo. Trong đó, lưu ý tới các chính sách đã nhiều lần được đề cập đến đó là việc tạo ra các hành lang nhân đạo và áp dụng lệnh ngừng bắn trong một thời gian dài.

Trong một diễn biến liên quan, hôm 20/10, kênh N-TV của Đức công bố kết quả thăm dò ý kiến khán giả về chuyến thăm của Tổng thống Nga. Với câu hỏi

''Bà Merkel có nên siết chặt trừng phạt Putin tại cuộc Hội đàm ở Berlin'', thì có đến 83% khán giả phản đối việc này.

Đối với người dân Đức, chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin là sự kiện chính trị nổi bật trong tuần. Tổng thống Nga đã hơn 2 năm không đến Đức, kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga, và EU áp đặt lệnh trừng phạt Nga.

Ngoài ra, tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung nhận định:

"Đối với một số người, Nga là mối đe dọa số 1, với những người khác Nga là đối trọng của Mỹ. Trong khi đó, Vladimir Putin khơi lên trong các cư dân Đức nỗi sợ hãi xen lẫn ngưỡng mộ, căm ghét xen lẫn khâm phục".

Khó đưa ra quyết định

Không chỉ Ngoại trưởng Đức phản đối về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, tại hội nghị thượng đỉnh EU hôm 21/10, Thủ tướng Italia Matteo Renzi cũng cho rằng, lệnh trừng phạt kinh tế không nên là một phần trong chiến lược đó. Bởi lẽ, chúng không thể buộc Nga đàm phán giải pháp hòa bình.

"Chúng ta nên làm tất cả những gì có thể để đạt được giải pháp hòa bình ở Syria, nhưng khó mà tưởng tượng rằng điều này liên quan đến việc trừng phạt Nga nhiều hơn" ông Renzi nói với các phóng viên ở Brussels nơi EU thảo luận về chiến lược với Nga.

Cũng tại Hội nghị, giới chính trị gia châu Âu đã không tiếc dùng nhiều "lời mạnh". Bà Theresa May mô tả "tội ác khủng khiếp" của Moscow, còn bà Merkel tuyên bố về "đánh bom vô nhân đạo" tại Aleppo.

Thế nhưng, cuối cùng lãnh đạo của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu EU đã thất bại trong việc đưa ra quyết định về việc áp lệnh trừng phạt mới chống Nga vì Syria.

Không chấp nhận kết quả trên, Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ sẽ thảo luận với các đối tác châu Âu và chính phủ các nước trong khu vực, làm thế nào có thể chống lại các hành động của Nga ở Syria, bao gồm cả những biện pháp trừng phạt cũ và mới.

Trong khi đó, thư ký báo chí của Tổng thống Dmitry Peskov nói rằng Kremlin không bình luận về khả năng EU đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì Syria. Ông cũng lưu ý rằng cần thiết phải chờ phán quyết cuối cùng của các lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, biện pháp trừng phạt chống lại nước Nga vì tình hình khủng hoảng chính trị ở Ukraine hoặc vấn đề Syria sẽ không giải quyết được các vấn đề cụ thể (gốc rễ).

Đó chỉ là một âm mưu nhằm kìm hãm/ngăn chặn nước Nga và sự phát triển của quốc gia này.

Nguồn: Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC