Đức sẽ khiến toàn thế giới sửng sốt khi sắp giới thiệu tàu chở khách thủy lực (hydrail) có thể chạy được 800km mỗi ngày với tốc độ tối đa 140km/h.
Theo báo Anh Independent, chiếc tàu hoả chở khách Coradia iLint do hãng tàu Alstom (Pháp) chế tạo sẽ là tàu hoả đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống năng lượng bằng hydro không tạo ra khí thải mà chỉ tạo ra hơi nước.
Đây sẽ là giải pháp thay thế tuyệt vời cho hơn 4000 tàu chạy bằng dầu diesel hiện có trên khắp nước Đức.
iLint được trang bị các thỏi pin lithium ion rất lớn, và những pin này nhận năng lượng từ một bồn chứa nhiên liệu hydro trên nóc tàu - Ảnh: Alstom
Tàu có thể chạy trong phạm vi gần 500 dặm (tương đương 800km) với tốc độ lên đến 140 km/giờ, không gây tiếng ồn lớn do âm thanh phát ra chỉ đến từ các bánh xe và sức cản không khí.
Năng lượng hydro hoạt động khi hydro được đốt cháy với oxy để tạo ra một lượng lớn năng lượng, và chỉ thải hơi nước vào bầu khí quyển.
Quá trình thử nghiệm sẽ được tiến hành vào cuối năm nay trước khi mở cửa đại chúng vào tháng 12 năm sau. Loại tàu này lần đầu tiên được giới thiệu ở Berlin tại triển lãm thương mại InnoTrans tháng Tám vừa qua.
Hiện tại rất nhiều hãng tàu quan tâm, điển hình là hãng Lower Saxony đã đặt hàng 14 chiếc. Nếu được đánh giá thành công, người dân Đức có thể nhìn thấy loại tàu này trên khắp cả nước.
"Alstom rất tự hào khi khởi động sự đổi mới đột phá trong lĩnh vực giao thông vận tải sạch. Nó cho thấy khả năng của chúng tôi trong việc hợp tác chặt chẽ với khách hàng khi phát triển tàu chỉ trong hai năm", Giám đốc điều hành Alstom ông Henri Poupart-Lafarge cho biết trong một tuyên bố với giới truyền thông.
Các quốc gia như Hà Lan, Đan Mạch và Nauy cũng đang rất quan tâm đến loại tàu này.
Hydro hiện đang được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực đời sống, đặc biệt ở hàng không vũ trụ, điển hình là NASA đã sử dụng hydro lỏng để đẩy tên lửa của mình vào không gian từ những năm 1970.
Những đám mây khổng lồ bùng lên khi những tàu con thoi cất cánh không phải là khói mà chính là hơi nước.
Trung Hiếu - Theo Independent/heise.de