Một cửa hàng Huawei tại Berlin, Đức. Ảnh: Bloomberg
Theo dự thảo thỏa thuận với chính quyền, các nhà khai thác viễn thông chính của Đức đã đồng ý loại bỏ các thành phần do các nhà sản xuất Trung Quốc là Huawei và ZTE sản xuất khỏi mạng lõi của họ - phần nhạy cảm nhất của mạng di động - vào cuối năm 2026, theo những người hiểu rõ về thỏa thuận này tiết lộ với báo Wall Street Journal.
Hệ thống phần mềm xử lý giao tiếp giữa các thiết bị trên mạng không dây này sẽ không còn các thành phần của Trung Quốc vào cuối năm 2029, theo những nguồn tin kể trên cho biết. Họ nhấn mạnh rằng chính quyền và các nhà khai thác vẫn chưa ký thỏa thuận cuối cùng và một số chi tiết vẫn có thể thay đổi trong những ngày tới.
Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức cho biết đã có quyết định về các bước bảo vệ các bộ phận quan trọng của mạng không dây 5G của quốc gia này nhưng từ chối giải thích thêm.
Các nhà phân tích cho biết quyết định này sẽ dần đưa Đức đi theo con đường của các quốc gia khác ở châu Âu, từ Anh đến Thụy Điển và các quốc gia vùng Baltic, những nước đã cấm các linh kiện của Trung Quốc khỏi mạng viễn thông của họ.
Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng động thái này được đưa ra muộn và phần lớn dựa trên các điều khoản do các nhà khai thác viễn thông của Đức đặt ra, một số trong đó đã đe dọa sẽ tìm cách đòi bồi thường cho các chi phí bổ sung liên quan đến lệnh cấm các linh kiện của Huawei và ZTE.
"Có vẻ như Đức đang làm những gì Anh đã làm, nhưng chậm hơn bốn năm", Noah Barkin, cố vấn cấp cao của công ty nghiên cứu Rhodium's China Practice cho biết.
Barkin cho biết mốc thời gian của thỏa thuận cho thấy hầu hết các thành phần của Trung Quốc sẽ chỉ bị loại bỏ khi chúng đã hết tuổi thọ và cần được thay thế. Deutsche Telekom, nhà mạng lớn nhất của đất nước, cho biết họ không có phần cứng của Trung Quốc trong mạng lõi của mình.
Theo dữ liệu của Strand Consult, một nhóm nghiên cứu viễn thông độc lập, các linh kiện của Trung Quốc chiếm 59% mạng truy cập vô tuyến 5G của Đức vào năm 2022, so với 41% ở Anh, 17% ở Pháp và 0% ở Latvia, Lithuania và Estonia.
Nguyễn Khánh (theo Wall Street Journal)