Lính Đức cùng một chiếc xe tăng gắn pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 - Ảnh: AFP
Thông tin mới này trên truyền thông Đức gây ra sự hoài nghi về tuyên bố trước đó của Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng đã đồng ý việc mua vũ khí với Kiev.
Trước đó, Thủ tướng Scholz cho biết ông đã yêu cầu các nhà thầu vũ khí đưa ra danh sách các hệ thống vũ khí mà họ có thể nhanh chóng cung cấp cho Ukraine để tăng cường nỗ lực phòng thủ.
"Ukraine hiện đã đưa ra lựa chọn từ danh sách này và chúng tôi sẽ cung cấp cho họ số tiền cần thiết để mua hàng", ông Scholz nói.
Theo thông tin trên tờ Bild của Đức hôm 21-4, lời đề nghị hồi giữa tháng 3 vẫn bao gồm một số vũ khí hạng nặng mà Kiev cho là cần thiết để phải chống chọi lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở phía đông đất nước.
Bao gồm cả phương tiện vận tải bọc thép Boxer, pháo tự hành Panzerhaubitze (PzH) 2000 và xe tăng chiến đấu Leopard 2 do Công ty quốc phòng Krauss-Maffei Wegmann có trụ sở tại Munich sản xuất.
Nhưng đến cuối tháng 3, danh sách được đệ trình lên Chính phủ Ukraine đã giảm từ 48 xuống 24 trang và chỉ bao gồm 3 trong số 15 loại vũ khí mà Kiev yêu cầu. Hai yêu cầu tiếp theo của Chính phủ Ukraine vào ngày 9-4 và 16-4 đã bị phía Đức phớt lờ, theo tờ báo Đức.
Thông tin này có nguy cơ khiến cuộc tranh cãi ngoại giao thêm căng thẳng. Chính phủ của Thủ tướng Scholz khẳng định đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để giúp Ukraine chống lại chiến dịch quân sự của Nga.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao Ukraine cáo buộc Berlin ngừng vận chuyển vũ khí vì sợ kích động Nga leo thang chiến tranh.
Danh sách các khí tài mà Đức cho biết sẽ mua sắm và gửi cho Ukraine bao gồm một số máy móc hiện đại như hệ thống radar, trạm vũ khí điều khiển từ xa có thể lắp trên xe tăng Ukraine và phương tiện vận tải bọc thép.
Tờ Bloomberg thì trích dẫn các nguồn tin giấu tên của chính phủ cho biết Đức sẽ huấn luyện cho quân đội Ukraine và trang bị đạn dược cho hệ thống pháo tự hành PzH 2000 Hà Lan đang gửi tới Ukraine.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo gần nhất, ông Scholz đã không đề cập đến thỏa thuận với Hà Lan.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online