Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Đức. Ảnh: TASS
Đây là đánh giá của người đứng đầu nhà vận hành mạng lưới tại Đức trong trả lời phỏng vấn tờ Die Zeit ngày 12/4. Trong trao đổi, Klaus Muller, Giám đốc Cơ quan mạng lưới liên bang Đức (Bundesnetzagentur), cho biết cá nhân ông nhận được nhiều thư của giới doanh nghiệp gửi tới, đề nghị được tiếp cận các biện pháp bảo vệ trong trường hợp nguồn cung khí đốt bị cắt.
Theo ông Muller, dự trữ khí đốt của Đức hiện cao hơn khá nhiều so với thời điểm một tháng trước đây. Lượng khí này đủ dùng cho tới hết mùa hè và sang đầu mùa thu ngay cả khi Nga dừng cung ứng khí đốt ở thời điểm hiện tại. Nhưng ông cũng cảnh báo Đức cần sẵn sàng cho tình huống sử dụng, tiêu thụ khí đốt luân phiên trong năm nay nếu như không bổ sung nguồn cung kịp thời.
Cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ Đức đã triển khai những bước đi đầu tiên nhằm đối phó với nguy cơ đứt gãy nguồn cung khí đốt từ Nga, kích hoạt kế hoạch khẩn cấp ngay trước thời điểm Moskva đặt ra yêu cầu mọi hợp đồng nhập khẩu khí đốt sẽ phải thanh toán bằng đồng rúp kể từ ngày 31/3.
Cụ thể, chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào Nga, với mục tiêu đến cuối năm nay giảm 50% khí đốt nhập khẩu từ Nga và sẽ ngừng nhập khẩu sau hai năm nữa. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck gần đây đã có chuyến thăm tới Qatar và Na Uy nhằm tìm kiếm nguồn khí LNG thay thế. Nhưng Đức hiện chưa có một trạm xử lý LNG nào và sớm nhất cũng phải đến năm 2026 mới có thể đưa vào vận hành một số trạm dạng này.
Nga cung cấp 55% khí đốt và 34% dầu thô nhập khẩu của Đức, theo số liệu của Agora Energiewende, một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Đức. Nhiều ngành công nghiệp tại Đức sử dụng khí đốt và khoảng 50% hộ gia đình tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng sử dụng nguồn nhiên liệu này để sưởi ấm. Cuộc chiến Ukraine cho thấy mức độ phụ thuộc dễ bị tổn thương của Đức trước khí đốt Nga. Đây cũng là lý do khiến Berlin do dự trong các bước đi áp trừng phạt năng lượng chống Nga.
Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo DW)