Ngoại trưởng Đức Baerbock ngày 20/4 cho biết nước này sẽ dừng nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm nay theo lộ trình giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.

1 Duc Tuyen Bo Se Dung Nhap Khau Dau Mo Cua Nga Cuoi Nam Nay

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. Ảnh: Reuters

Reuters đưa tin, phát biểu sau cuộc gặp với ngoại trưởng các nước Baltic hôm 20/4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thông báo:

"Tôi nói rõ ràng và dứt khoát ở đây rằng Đức đang tiến tới chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu khẩu năng lượng Nga. Chúng tôi sẽ giảm một nửa lượng dầu mỏ từ Nga vào mùa hè và giảm xuống mức bằng 0 vào cuối năm nay.

Tiếp đó sẽ là mặt hàng khí đốt, trong lộ trình chung giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga của Liên minh châu Âu".

Giới chức Đức trước đó đề xuất mục tiêu tới giữa năm 2024 có thể chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga.

Ủy ban châu Âu cuối tháng trước xác nhận Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027. Nhằm hiện thực hóa kế hoạch “cai nghiện” khí đốt Nga, EU và Mỹ trước đó cũng ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu. Mỹ cho biết sẽ làm việc với các đối tác quốc tế, cố gắng đảm bảo ít nhất 15 tỷ mét khối LNG cho thị trường EU vào năm sau và tiếp tục tăng trong tương lai.

Theo New York Times, giới chức EU nói rằng sau khi kết thúc vòng hai bầu cử Pháp ngày 24/4 tới, khối này sẽ đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga trong gói trừng phát thứ sáu liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukrain. Trong khi EU đã áp đặt 5 gói trừng phạt đối với Nga liên quan đến việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, các nước thành viên vẫn đang quan ngại về việc cấm nhập khẩu năng lượng từ Moscow.

Đó là bởi vì nhiều nước EU phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga. Kinh tế châu Âu được dự báo sẽ gánh nhiều tác động tiêu cực nếu không có nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. EU hiện đang nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và hơn 30% dầu mỏ từ Nga.

Trong khi đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU, còn phụ thuộc nhiều hơn khi đang mua một phần ba lượng dầu mỏ của mình từ Nga.

Điều đó buộc giới lãnh đạo EU phải cân nhắc kỹ lượng các lệnh trừng phạt chống Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Mặc dù đã dừng phê duyệt tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 và áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga vì chiến sự tại Ukraine, giới chức Berlin cảnh báo việc EU cấm nhập khẩu năng lượng Moscow sẽ làm sụp đổ nền kinh tế và phá hủy ngành công nghiệp của Đức. “Việc dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga sẽ gây ra một sự gián đoạn lớn và ngay lập tức. Bạn không thể bật tắt các nhà máy công nghiệp hiện đại như một công tắc đèn.

Quyết định này sẽ tác động trực tiếp tới Đức - nền kinh tế lớn nhất EU và lớn thứ 4 thế giới,” bà Emily Haber, Đại sứ Đức tại Mỹ, viết trên trang Twitter vào tuần trước.

Nguyễn Thu

Nguồn: kinhtedothi.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC