Đức và Qatar ngày 9/5 đã vấp phải nhiều vấn đề phức tạp trong cuộc đàm phán liên quan đến các thỏa thuận cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong tương lai.
Bất đồng xảy ra trong khi hai bên không thống nhất được một số điều kiện cơ bản, trong đó có thời hạn của hợp đồng.
Đức, quốc gia vốn đặt mục tiêu cắt giảm 88% lượng khí thải carbon vào năm 2040, đã không nhất trí với các điều kiện của Qatar nhằm ký các thỏa thuận kéo dài ít nhất 20 năm để đảm bảo nguồn cung LNG mà Đức cần để giảm sự phụ thuộc của nước này đối với khí đốt của Nga.
Các cuộc đàm phán khó khăn giữa Qatar - nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới, và Đức càng cho thấy những thách thức mà Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt trong tham vọng đa dạng hóa nguồn cung, trong bối cảnh Chính phủ Đức vật lộn để cân bằng bất kỳ thỏa thuận nào với các mục tiêu giảm carbon.
Ngày 1/5, Bộ Kinh tế Đức tuyên bố Berlin đã đạt tiến triển trong nỗ lực cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Đây được xem là sự chuyển dịch mang tính chiến lược của nền kinh tế Đức kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Theo thông báo của Bộ Kinh tế Đức, nguồn cung từ Nga hiện chỉ chiếm 12% tổng lượng nhập khẩu dầu mỏ của Đức, giảm 23% so với trước đây. Than đá từ Nga cũng giảm 8% so với mức 45% mà Đức nhập khẩu trước đây.
Trong khi đó, tình trạng phụ thuộc vào khí đốt vẫn lớn, song nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã giảm lượng nhập khẩu mặt hàng này của Nga, từ mức 55% trước khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine xuống còn 35%./.
Nguồn: Vietnamplus.vn