Một cơ quan cố vấn cho chính phủ Đức đã khuyến cáo Berlin nới lỏng luật lao động của nước này, cho phép các công ty yêu cầu nhân viên làm việc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày.
Nhóm nhà cố vấn về các vấn đề kinh tế đã đệ trình một kế hoạch thay đổi luật lao động ở Đức lên Thủ tướng Angela Merkel với lý do thay đổi này là cần thiết để ứng phó với các thử thách của kỷ nguyên số.
Ảnh minh họa.
Theo đó, các chủ lao động sẽ được yêu cầu người lao động làm việc theo một khung giờ khác thay vì 8 tiếng mỗi ngày.
Nhóm cố vấn lý giải rằng các tiến bộ về mặt công nghệ đã khiến cho khung giờ làm việc truyền thống bị lỗi thời.
“Giờ làm việc linh động hơn là quan trọng đối với tính cạnh tranh giữa các công ty Đức. Những công ty muốn sống sót trong thế giới số hóa mới của chúng ta cần phải nhanh nhẹn và tập hợp nhóm nhanh chóng. Ý tưởng bắt đầu ngày làm việc tại văn phòng vào buổi sáng và kết thúc vào buổi tối đã lạc hậu”, Chủ tịch Hội đồng các chuyên gia kinh tế Đức Christoph Schmidt phát biểu với báo Welt am Sonntag.
Hiện tại, luật lao động của Đức nêu rõ người lao động không nên làm việc nhiều hơn 8 tiếng/ngày, không nhiều hơn 48 giờ/tuần và có giờ nghỉ 11 tiếng giữa các ca. Ngoài ra các nhân viên còn được nghỉ ngơi 30 phút sau 6 tiếng làm việc liên tiếp.
Ban cố vấn muốn xóa bỏ các điều luật về làm việc 8 giờ/ngày và rút ngắn giờ nghỉ 11 tiếng xuống còn 9 tiếng. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn giữ nguyên giới hạn chỉ làm việc 48 tiếng/tuần.
Thủ tướng Merkel đang tiến hành các cuộc đàm phán để cải cách chính phủ liên minh tiếp theo của Đức, hay còn gọi "Liên minh Jamaica", và cải cách luật lao động là một trong những chủ đề được đưa ra thảo luận.
Nguồn: Hoàng Trang
Báo Tin tức