Một số trường hợp nghi ngờ đã được phát hiện ở Tây Ban Nha. Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác như Pháp và Bỉ, cũng đã báo cáo các trường hợp mắc bệnh này.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, vì sự xuất hiện của các ca bệnh không liên quan đến du lịch hoặc các ca bệnh đã được phát hiện, nên ECDC nghi ngờ có sự lây lan bệnh này trong cộng đồng. ECDC đưa ra các khuyến nghị ban đầu cho các cơ quan y tế, đồng thời hướng dẫn các cơ quan chức năng cách ly, xét nghiệm và báo cáo các trường hợp nghi ngờ cũng như thiết lập theo dõi.
ECDC sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh này và đang soạn thảo thông tin đánh giá rủi ro nhanh dự kiến sẽ công bố vào đầu tuần tới.
Trong khi đó, tại Canada, các quan chức hàng đầu của Cơ quan y tế công cộng Canada (PHAC) cho rằng gần như tất cả mọi người ở quốc gia Bắc Mỹ này đều dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ vì việc tiêm phòng chống bệnh đậu mùa đã kết thúc nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, nguy cơ chung đối với cộng đồng được PHAC đánh giá là "thấp" tại thời điểm này.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, 2 trường hợp nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Canada đã được xác nhận ở Quebec vào ngày 19/5. Người đứng đầu PHAC, Tiến sĩ Theresa Tam cho biết có vài chục trường hợp đang được theo dõi và PHAC vẫn chưa biết mức độ lây lan của virus. Chuyên gia này cho biết các nhà nghiên cứu hiện đang làm việc để xác định lý do tại sao bệnh đậu mùa khỉ - một căn bệnh thường chỉ giới hạn ở Trung và Tây Phi - lại xuất hiện ở Canada và các nơi khác trên thế giới. Trong lịch sử, hầu hết các ca bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo ở lưu vực Congo.
Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ hơn nhưng cùng họ với virus gây bệnh đậu mùa và có thể gây sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, kiệt sức, sưng hạch bạch huyết... PHAC cho biết bệnh này lây lan qua tiếp xúc gần trong thời gian dài, trong đó có cả tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn đường hô hấp, chất dịch cơ thể hoặc vết loét của người bị bệnh và không quá dễ lây lan trong môi trường xã hội điển hình. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc lây truyền qua các giọt bắn đường hô hấp thường đòi hỏi "tiếp xúc trực tiếp lâu dài", có nghĩa là nhân viên y tế, thành viên gia đình và những người tiếp xúc gần khác của các ca bệnh, có nguy cơ cao hơn công chúng nói chung.
Các bằng chứng trên quy mô toàn cầu cho thấy vaccine phòng bệnh đậu mùa có thể bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Canada đã ngừng tiêm chủng cho người dân chống lại bệnh đậu mùa vào năm 1972. WHO tuyên bố bệnh này đã bị xóa sổ trên toàn cầu vào năm 1979. Điều đó có nghĩa là những người trẻ tuổi có thể dễ bị bệnh đậu mùa khỉ hơn, vì mũi tiêm phòng đậu mùa không nằm trong lịch trình chủng ngừa thời thơ ấu của họ.
Tiến sĩ Tam cho biết Canada vẫn duy trì một lượng dự trữ nhỏ loại vaccine phòng bệnh đậu mùa. Sau khi liên lạc với chính quyền liên bang, tỉnh Quebec đang xem xét triển khai các mũi tiêm phòng đậu mùa ở một số khu vực của tỉnh, nơi các ca nhiễm đã được báo cáo.