Lao động trẻ em cũng là một hình thức lao động cưỡng bức - Ảnh: ILO
Với 555 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 45 phiếu trắng, ngày 23-4 các nhà lập pháp EU đã thông qua đạo luật cấm các sản phẩm mà trong quá trình sản xuất có sử dụng lao động cưỡng bức.
Văn bản này vẫn cần sự chấp thuận của 27 nước thành viên trước khi có hiệu lực. Các nước EU sẽ phải bắt đầu áp dụng luật trong vòng 3 năm.
Bảo vệ quyền con người
Theo nội dung, luật này không chỉ có hiệu lực với hàng hóa nhập khẩu mà còn với cả những hàng hóa sản xuất tại EU nhưng bao gồm nguyên liệu được sản xuất ở nước ngoài có liên quan đến lao động cưỡng bức.
Nhà lập pháp người Hà Lan Samira Rafaela nhận định quy định này rộng và có tính bao quát, cùng với một số quy định và chỉ thị khác, nó sẽ là "yếu tố thay đổi cuộc chơi".
"Các công ty, các ngành công nghiệp, toàn bộ các nhóm ngành và những nhà thầu tương ứng của họ sẽ cần phải nỗ lực nghiêm túc nhằm đảm bảo họ đang làm mọi việc theo một cách bền vững và có đạo đức, tôn trọng quyền con người trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ", bà Rafaela trả lời báo giới.
Theo quy định mới, Ủy ban châu Âu sẽ có quyền tiến hành điều tra khi có nghi vấn về chuỗi cung ứng của các nước ngoài khối. Nếu được chứng minh có sử dụng lao động cưỡng bức, cơ quan chức năng tại EU sẽ thu giữ hàng hóa ngay tại biên giới, ra lệnh rút chúng khỏi thị trường châu Âu và loại bỏ khỏi kệ hàng của các nhà bán lẻ trực tuyến.
EU cũng sẽ thiết lập một cơ sở dữ liệu thường xuyên cập nhật về các nguy cơ liên quan đến lao động cưỡng bức, bao gồm các báo cáo quốc tế, nhằm hỗ trợ Ủy ban châu Âu và các nước thành viên trong việc đánh giá về khả năng vi phạm.
Trước đó, năm 2021 Mỹ đã thông qua đạo luật tương tự để bảo vệ thị trường của mình khỏi các sản phẩm có liên quan đến lao động cưỡng bức.
Ảnh hưởng đa ngành
Tác động từ quy định mới của EU với hoạt động xuất khẩu ngành công nghiệp tại nhiều quốc gia đã được đưa ra thảo luận từ tháng 3 năm nay, thời điểm EU đưa ra thỏa thuận tạm thời cho luật cấm hàng hóa liên quan đến lao động cưỡng bức.
Chính phủ Mỹ cho rằng lao động cưỡng bức có thể đang được sử dụng trong ngành sản xuất thịt bò của Brazil; mía, cà phê, ca cao của Bờ Biển Nga; dầu cọ của Indonesia; và cá từ Trung Quốc. Đây đều là những mặt hàng nhập khẩu chính của EU.
Nguồn: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Walk Free và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), năm 2022 - Đồ họa: TUẤN ANH
Giám đốc điều hành của Tổ chức Công lý Môi trường (EJF) Steve Trent nhấn mạnh sự cần thiết của của các quy định chắc chắn, đồng thời đưa ra bằng chứng về các hoạt động cưỡng bức lao động trong ngành gia súc tại Brazil.
"Điều tra của chúng tôi cho thấy bằng chứng rõ ràng của hành vi bạo lực, ép buộc và nhiều hành vi vi phạm quyền con người nghiêm trọng khác tại các trại chăn nuôi gia súc của Brazil. Nhập khẩu thịt bò của EU từ Brazil vì thế có thể bị ảnh hưởng", ông Trent nói.
Trả lời báo Daily Star hồi tháng 12-2023, ông Mohammad Hatem, lãnh đạo cấp cao của Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim Bangladesh (BKMEA), cho biết Bangladesh đang thực hiện các bước để cải thiện quyền lao động và điều kiện làm việc nhằm tránh các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ, đảm bảo xuất khẩu của nước này không bị ảnh hưởng.
Trước đó, EU đã công bố một báo cáo về Bangladesh, Myanmar và Campuchia, nêu lo ngại về các vấn đề như an toàn và sức khỏe cho người lao động, thanh tra lao động, lao động cưỡng bức và lao động trẻ em... tại những nước này.
Hồi tháng 11-2023, hàng ngàn công nhân Bangladesh đã xuống đường biểu tình đòi tăng lương. Mặc dù may mặc là ngành đóng góp tới 16% GDP cho Bangladesh, nhưng rất nhiều người trong số 4 triệu công nhân may mặc nước này đang sống trầy trật vì mức lương quá thấp.
27,6 triệu người lao động cưỡng bức
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) định nghĩa lao động cưỡng bức là tất cả các dịch vụ và công việc mà một cá nhân bị bắt phải làm dưới sự đe dọa của một hình phạt, và cá nhân đó không tự nguyện thực thi công việc.
Theo ILO, năm 2021 có khoảng 27,6 triệu lao động cưỡng bức, trong đó ước tính có 3,3 triệu lao động trẻ em.
NGHI VŨ
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online