Ngày 8.92016, báo giới Nauy đã lên tiếng phản đối việc Facebook xóa hình ảnh “Em bé Napalm”, một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam vì cho rằng nó vi phạm quy định về khỏa thân trong khâu kiểm duyệt của mình.
„Aftenposten“ – Tờ báo lớn nhất của Na Uy vừa tranh cãi với mạng xã hội Facebook sau khi một bức ảnh nổi tiếng từ thời chiến tranh Việt Nam đã bị Facebook gỡ xuống từ trang của tờ báo này.
Đây là bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt Nick Ut (Huỳnh Công Út) chụp Phan Thị Kim Phúc và những đứa trẻ Việt Nam chạy tán loạn trong một trận ném bom Napan của Mỹ tại Trảng Bàng vào năm 1972.
Trung tâm của bức ảnh là Kim Phúc (lúc đó mới 9 tuổi), trần truồng chạy bên những đứa trẻ hoảng loạn, mếu máo.
Bức ảnh mang tên „Nỗi kinh hoàng của chiến tranh“ (The Terror of War) đã làm nên tên tuổi của nhiếp ảnh gia này trên khắp thế giới.
Cách đây vài tuần, tác giả Tom Egeland của Na Uy đã tải lên trang Facebook của mình một bản báo cáo cùng với 7 bức ảnh chiến tranh nổi tiếng, trong đó có bức ảnh chụp đứa trẻ trần truồng này. Bài của Tom Egeland đã bị Facebook chặn.
Sau đó, tờ báo „Aftenposten“ đã post bức ảnh này lên trang Facebook của mình trong một bài có liên quan tới tác giả nói trên và bức ảnh đó cũng lại bị Facebook gỡ xuống.
Tổng Biên tập của tờ Aftenposten, ông Espen Egil Hansen đã gửi cho Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook một bức thư ngỏ, trong đó ông phản đối việc mạng xã hội này đã kiểm duyệt những bài tải lên trang Facebook và gỡ những bức hình xuống vì đó là những bức hình chụp người khỏa thân. Ông cho rằng Facebook đã lạm dụng quyền của mình và qua đó đã hạn chế quyền tự do báo chí.
Facebook lý giải quan điểm của mình rằng: Khó có thể phân biệt được các loại ảnh chụp trẻ em khỏa thân và có trường hợp cho phép đăng và cũng có trường hợp không cho phép.
Thủ tướng Na Uy, bà Erna Solberg cũng đã lên tiếng ủng hộ tờ báo của nước mình. Bà đã đưa lên trang Facebook của mình bức ảnh Việt Nam nói trên để tỏ tình đoàn kết và bình luận rằng Facebook „đã đưa ra những kết luận sai lầm khi kiểm duyệt những bức ảnh như vậy.“ Không lâu sau đó, bức ảnh này cũng lại biến mất trên trang của bà Solberg. Chưa rõ ai là người gỡ bức ảnh đó xuống.
Hôm thứ tư vừa rồi, Tòa soạn Aftenposten đã nhận được một Email của Văn phòng Facebook tại Hamburg gửi tới và đề nghị gỡ bài và ảnh của báo xuống. Song chưa đầy 24 giờ sau khi Email được gửi đi và trong khi ông Egil Hansen chưa kịp trả lời thì cả bài và ảnh đã bị gỡ khỏi trang Facebook của tờ báo Aftenposten.
Đây không phải là lần đầu tiên Facebook gỡ ảnh chụp hoặc những hình ảnh về những tác phẩm nghệ thuật khỏi trang Facebook vì nó vi phạm những quy định của mạng xã hội trực tuyến về những hình ảnh khỏa thân hoặc bạo lực. Nhưng nhiều người cũng lo ngại rằng thông tin chỉ đến với bạn đọc của mạng xã hội trực tuyến sau khi đã bị sàng lọc.
Hội Nhà báo Đức cũng lên tiếng phản đối Facebook vì không phân biệt được một tư liệu có tính chất lịch sử với các loại ảnh khiêu dâm của trẻ em.
Chủ tịch Hội Nhà báo Đức Frank Überall cũng quan niệm rằng „Việc đăng tải những nội dung gì lên tờ báo thì đó phải là quyết định của Ban Biên tập“.
Mọi hành vi khác được coi là vi phạm quyền tự do báo chí.
Bộ Trưởng Tư pháp Liên Bang Đức, ông Heiko Maas - Ảnh WELT.DE
Bộ Trưởng Tư pháp Liên Bang Đức, ông Heiko Maas (49, SPD) đã tỏ ra bất bình trong trả lời báo BILD hôm qua:
"Nếu những bức hình như vậy bị xóa hay kiểm duyệt, thì đó chính là sự sai lầm nhất.
Thay cho xóa và kiểm duyệt nội dung, hình ảnh phạm pháp, phản cảm ở Internet thì họ lại xóa những tấm hình đã làm thay đổi thế giới này".
©Phạm Bình - TINTUCVIETDUC.DE