Cuộc tranh cãi về “nỗi luyến tiếc” đồng Mark lại một lần nữa dấy lên mạnh mẽ, sau khi kết quả thăm dò mới nhất do ARD TV tiến hành cho thấy con số người ủng hộ đồng tiền cũ lớn nhất từ trước tới nay.
Theo kết quả thăm dò này, thì có tới 66% người dân Đức lo ngại khủng hoảng tài chính hiện nay sẽ phá hủy những khoản tiết kiệm của họ. Trong khi 57% muốn có đưa đồng Mark mạnh trở lại sử dụng, 32% cho hay không thấy có gì tích cực trong hệ thống tiền tệ chung.
Đây là tỉ lệ phần trăm cao nhất người Đức muốn dùng lại đồng Mark, kể từ sau các cuộc thăm dò thời thập niên 1990 cho thấy gần 70% muốn giữ lại đồng tiền được cho là một biểu tượng của thời “phép màu kinh tế” sau chiến tranh này.
Kết quả trên càng nhấn mạnh thêm điều đã được chứng tỏ qua cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu thị trường Ipsos thực thi và được công bố hồi cuối tháng Sáu. Đó là dù đã sử dụng đồng euro suốt 11 năm qua, 51% người Đức vẫn muốn đồng Mark quay trở lại, và 75% tin rằng số phận cuối cùng của đồng Euro rắc rối sẽ do các thị trường tài chính chứ không phải các chính trị gia quyết định.
Đồng Mark là đơn vị tiền tệ chính thức của Đức cho đến năm 1999, và vẫn tiếp tục được lưu hành dưới hai dạng giấy bạc và tiền xu cho đến năm 2002. Nay tuy tin đồn lan ra trước đó tại Đức và nước ngoài (nói ngân hàng Bundesbank đã bí mật in lại tiền Mark phòng trường hợp đồng euro sụp đổ) đã được chứng minh là sai, song nỗi luyến tiếc của người dân Đức với đồng tiền cũ yêu quý này xem ra lại đang mạnh hơn bao giờ hết.
Theo con số thống kê của Bundesbank, người dân Đức vẫn tích trữ tại nhà mình lượng tiền Mark ước tính khoảng 5,5 tỉ bảng (dựa trên tỉ lệ quy đổi cũ là 3 mark được 1 bảng). Nhưng con số thực có thể còn lớn hơn nhiều.
“Chẳng nên ngạc nhiên làm gì – một người viết bình luận trên website của truyền hình Deutsche Welle German TV - Người Đức chưa bao giờ thích thú với đồng tiền mới. Họ có mối liên hệ xúc cảm sâu sắc với đồng Mark của mình”.
Sự gắn bó tình cảm của đa số người dân Đức với đồng tiền đã giúp họ xây dựng nên nền kinh tế phát triển kỳ diệu sau chiến tranh, càng được nhân lên do nỗi họ cho rằng đồng Mark đã bị thay thế bởi đồng euro một cách gán ghép khi không thông qua trưng cầu dân ý hoặc tham vấn.
Đức đã chi tiền tỉ cho chiến dịch vận động cho đồng euro, cả để giới thiệu và trong chiến dịch vận động thuyết phục công chúng rằng đó là điều tốt. Và nay việc đa số người dân muốn chia tay với đồng euro đã gây nên những làn sóng gây sốc mới bao trùm khắp chính phủ liên minh của bà Thủ tướng Angela Merkel.
Và theo ghi nhận của phóng viên BBC, dịp đi chợ chuẩn bị Giáng sinh nay, tới đâu cũng có thể cảm nhận rõ sự hiện diện của đồng Mark. Nếu muốn mua xúc xích bằng tiền Mark cũ, bạn vẫn được người bán chấp nhận với một nụ cười rồi rồi đem đổi ra euro. Nhiều người dân Đức khi tính toán giá cả vẫn giữ thói quen nhẩm tính theo giá trị đồng Mark…
Thật khó ai có thể biết được liệu sẽ có một nước Đức không có đồng euro hay không, khi mà niềm tin của người Đức vào đồng tiền chung châu Âu euro ngày càng bị lung lay nghiêm trọng. Đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và gói giải cứu cho Athens của các nước Eurozone. Việc mất giá mạnh của đồng euro ngày càng làm sâu sắc thêm các mối lo ngại tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Sự ổn định tài chính của khu vực còn xa mới chắc chắn, và nhiều nhà phân tích tin rằng thậm chí khủng hoảng sẽ còn tồi tệ hơn trước khi tình hình có thể trở nên tốt hơn.
Khánh Tùng
Theo LĐO, Daily Mail, BBC