Ngành công nghiệp ở Đức đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao hiện nay.

1 Gia Nang Luong Tang Cao Anh Huong Toi San Xuat O Duc

Foto: Nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm tại tập đoàn cơ khí chính xác MWG của Đức. Ảnh: Mạnh Hùng - PV TTXVN

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) công bố ngày 25/7, có 25% số công ty đã phải giảm quy mô sản xuất hoặc di dời sản xuất ra nước ngoài.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn kết quả khảo sát đối với 3.500 công ty cho biết, giá năng lượng tăng cao đang buộc ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Đức giảm sản lượng, thậm chí đình chỉ toàn bộ lĩnh vực kinh doanh.

Theo DIHK, có tổng cộng 16% số công ty sản xuất công nghiệp buộc phải có những quyết định phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Đặc biệt, tỷ lệ này cao gấp đôi (32%) với những công ty sử dụng nhiều năng lượng, như các ngành thép, thủy tinh và giấy.

Chủ tịch DIHK Peter Adrian cảnh báo, đây là những con số "đáng báo động" và giá năng lượng cao kéo dài thực sự là gánh nặng đối với nền sản xuất ở Đức.Theo khảo sát, 25% số công ty bị ảnh hưởng đặc biệt do giá năng lượng cao đã phải giảm sản lượng hoặc chuyển sản xuất sang các nước khác, trong khi 25% số công ty khác cũng đang thực hiện các biện pháp tương tự.

Đặc biệt, khoảng 50% số công ty bị ảnh hưởng đã lên kế hoạch cắt giảm quy mô sản xuất hoặc di chuyển địa điểm sản xuất ra nước ngoài.

Trong khi đó, tình hình của nhiều công ty có thể tiếp tục xấu đi trong cả năm nay. Ngay từ tháng Bảy này, nhiều công ty đã phải mua khí đốt trên thị trường cho những tháng còn lại trong năm.

Chỉ khoảng 50% số công ty công nghiệp đáp ứng được nhu cầu về khí đốt cho cả năm 2022 thông qua các hợp đồng, trong khi trên 30% số công ty vẫn phải thu mua để đáp ứng trên 30% nhu cầu khí đốt của mình.

Theo ông Adrian, tình hình hiện tại trên thị trường năng lượng sẽ gây ra những rủi ro đáng kể về chi phí và nguồn cung cho các công ty trong những tháng tới. Nhiều công ty cũng xác nhận không thể chuyển việc tăng giá trên thị trường năng lượng cho khách hàng.           Ở mặt khác, các nhà kinh tế cũng coi tình hình hiện nay là yếu tố có ý nghĩa đối với vấn đề tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là khí đốt.

Với mức tiêu thụ thấp hơn, các cơ sở tích trữ có thể được làm đầy nhanh hơn và nguy cơ thiếu khí đốt ở Đức vào mùa Đông sẽ giảm xuống.

Cuối tháng Sáu vừa qua, Đức thông báo kích hoạt giai đoạn hai của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt. Nếu giai đoạn ba được công bố, Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức sẽ quy định việc phân bổ năng lượng, trong đó ưu tiên các hộ gia đình./.

TTXVN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC