Tại nhiều quốc gia châu Âu, bánh gối cắt lát là một trong những mặt hàng thực phẩm cơ bản nhất. Ở Anh, giá trung bình của một ổ bánh mì trong tháng 4 cao hơn tới 28%, ở mức 1,39 bảng (tương đương 1,72 USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Còn ở Italy, giá mì spaghetti và các loại mì ống khác - món gần như không thể thiếu trong chế độ ăn của người nước này, đã tăng gần 17% so với năm trước. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), giá phô mai đã cao hơn gần 40% trong khi khoai tây đắt hơn 14% so với năm ngoái.

Trên toàn EU, giá thực phẩm tiêu dùng trong tháng 4 trung bình cao hơn gần 17% so với năm 2022 và giảm nhẹ so với tháng 3 song là mức tăng nhanh nhất trong hơn 25 năm.

Tình hình ở Anh tồi tệ hơn so với các nước láng giềng Tây Âu: Giá thực phẩm và đồ uống không cồn cao hơn 19%, tốc độ lạm phát thực phẩm hàng năm đạt mức nhanh nhất trong hơn 45 năm qua. Để so sánh, tỷ lệ lạm phát thực phẩm hàng năm của Mỹ là 7,7%.

1 Gia Thuc Pham Tai Chau Au Tang Vot Va Chuyen Xuc Xich Tro Thanh Hang Xa Xi

Lạm phát thực phẩm ở mức cao khiến người dân các nước châu Âu phải thay đổi thói quen mua sắm (Ảnh: Guardian).

Trước đó, việc rau củ, trái cây khan hiếm tại Anh đã đẩy lạm phát giá lương thực của quốc gia này lên mức cao kỷ lục trong tháng 3. Theo Hiệp hội bán lẻ Anh (BRC), trong tháng 3, lạm phát giá lương thực tính theo năm đạt 15%, tăng nhẹ so với mức 14,5% vào tháng 2 - mức cao nhất kể từ năm 2005.

Lạm phát lương thực dai dẳng đang ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ gia đình có thu nhập thấp và khiến chính quyền các quốc gia châu Âu đau đầu tìm cách khắc phục. Thậm chí ở Italy, chính phủ nước này đã tổ chức một cuộc họp trong tháng 4 để thảo luận về giá mì ống tăng vọt.

Khi xúc xích thành thực phẩm xa xỉ

Tháng 1, giá thực phẩm tiếp tục tăng trên khắp châu Âu mặc dù lạm phát đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp, theo dữ liệu của cơ quan thống kê châu Âu.

Mức tăng giá cao nhất được ghi nhận ở Hungary với gần 50%, Litva cao thứ hai với 33,5%, tiếp theo là Estonia với 30,8%. Mức tăng thấp nhất được ghi nhận ở Luxembourg với 11,1% và Ireland với 12,1%.

Những loại thực phẩm có mức tăng đáng kể nhất ở các nước EU là sữa tươi nguyên chất, trứng, đường, dầu và chất béo, bơ và các loại dầu ăn khác, trung bình từ 30,2% đến 56,6%.

Bà Magdolna Gozon, một người về hưu 83 tuổi ở Budapest (Hungary), cho biết mình không thể mua trái cây vì khoản lương hưu ít ỏi của mình, trong bối cảnh giá lương thực tăng đột biến.

"Chúng tôi nhận khoai tây miễn phí từ thành phố nên không phải mua. Tuy nhiên, hành tây đã trở nên đắt đỏ. Tôi cũng đã ngừng mua sữa và hiếm khi mua thịt", bà cho biết.

2 Gia Thuc Pham Tai Chau Au Tang Vot Va Chuyen Xuc Xich Tro Thanh Hang Xa Xi

Nhiều người tiêu dùng châu Âu buộc phải cắt giảm một số loại thực phẩm để tiết kiệm chi phí (Ảnh: Yahoo! News).

Tại Hungary, giá lương thực đã tăng hơn 45% trong năm qua, theo cơ quan thống kê châu Âu, vượt xa tỷ lệ 29% của quốc gia đứng thứ 2 là Slovakia. Việc này buộc người dân Hungary phải thay đổi loại thực phẩm cũng như số lượng họ có thể mua được. Các doanh nghiệp cũng phải suy nghĩ lại về chiến lược bán hàng.

Szilvia Bukta, quản lý tại một gian hàng bán thịt ở Budapest, nhận xét: "Thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi hoàn toàn. Mọi thứ thậm chí đã đạt đến mức xúc xích và giăm bông được coi là thực phẩm xa xỉ".

Theo Bukta, cửa hàng của họ phải nhập ít hàng hơn vì giá cao hơn và sức mua của khách hàng giảm đi. "Chúng tôi cần mua hàng cẩn trọng hơn để không ảnh hưởng đến chi phí và doanh thu", cô cho biết thêm.

Có thể nói, các mặt hàng như trứng, sữa, bơ và bánh mì có giá cao hơn từ 72% đến 80% đã gây khó khăn cho người dân Hungary trong thời gian qua. Quốc gia này có mức lương trung bình hơn 900 USD/người/tháng.

Điều gì đẩy giá thực phẩm lên cao?

Theo New York Times, chi phí chính để sản xuất các sản phẩm thực phẩm đã giảm trên thị trường quốc tế trong phần lớn năm qua. Điều này đặt ra câu hỏi tại sao giá lương thực vẫn cao như vậy ở châu Âu.

Với chi phí lao động ngày càng tăng như hiện nay, giá lương thực khó có thể giảm xuống trong một sớm một chiều. Nhìn rộng hơn, giá cả tăng cao cũng có thể gây áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc giữ lãi suất ở mức cao, điều có khả năng kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Đằng sau mức giá của một ổ bánh mì không chỉ có chi phí cho các thành phần chính mà còn cả quá trình chế biến, đóng gói, vận chuyển, tiền lương nhân công, bảo quản và các khoản chênh lệch mà đơn vị sản xuất phải chi trả.

Chỉ số của Liên Hợp Quốc về giá hàng hóa lương thực toàn cầu như lúa mì, thịt và dầu thực vật, đã đạt đỉnh vào tháng 3, ngay sau cuộc xung đột Nga - Ukraine (một trong những nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới). Điều đó đã làm gián đoạn sản xuất ngũ cốc và dầu mỏ trong khu vực cũng như toàn cầu, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng lương thực ở Đông Phi và Trung Đông.

Nhưng điều tồi tệ nhất đã không xảy ra, một phần nhờ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Giá lúa mì châu Âu đã giảm khoảng 40% kể từ tháng 5 năm ngoái. Giá dầu thực vật toàn cầu giảm khoảng 50%.

Dù vậy, theo Liên hợp quốc, chỉ số giá lương thực trong tháng 4 vẫn cao hơn 34% so với mức trung bình năm 2019. Bên cạnh giá cả hàng hóa, châu Âu đã trải qua sự gia tăng đặc biệt nghiêm trọng về chi phí dọc theo chuỗi cung ứng thực phẩm.

3 Gia Thuc Pham Tai Chau Au Tang Vot Va Chuyen Xuc Xich Tro Thanh Hang Xa Xi

Giá thực phẩm tại châu Âu nói chung khó có thể giảm trong tương lai gần (Ảnh: Foreign Policy).

Giá năng lượng tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine buộc châu Âu phải nhanh chóng thay thế khí đốt của Nga bằng nguồn cung mới, đẩy chi phí sản xuất, vận chuyển và lưu trữ lương thực lên cao.

Tuy giá năng lượng bán buôn gần đây đã giảm trở lại nhưng các nhà bán lẻ cảnh báo rằng sẽ có độ trễ dài, có thể lên đến một năm, trước khi người tiêu dùng thấy được lợi ích của việc này.

Bên cạnh đó, thị trường lao động ở châu Âu với tỷ lệ bỏ việc cao đang buộc các nhà tuyển dụng, bao gồm các công ty thực phẩm, phải tăng lương để thu hút người lao động. Và điều này tất nhiên lại làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Ông Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức dịch vụ tài chính Allianz, cho biết: "Có một phần của lạm phát giá lương thực mà chúng ta thấy hiện nay không thể giải thích được một cách dễ dàng".

Một số nhà kinh tế và nhà bán lẻ thực phẩm đã chỉ trích các nhà sản xuất thực phẩm lớn trên toàn cầu khi họ duy trì được tỷ suất lợi nhuận hai con số nhờ tăng giá.

Vào tháng 4, gã khổng lồ Nestle của Thụy Sỹ cho biết họ dự kiến tỷ suất lợi nhuận năm nay sẽ bằng năm ngoái, ở mức 17%. Trong quý I, công ty đã tăng giá khoảng 10% các sản phẩm của mình.

Trong khi đó, ông Michael Saunders, nhà kinh tế học tại Oxford Economics, cho biết các công ty như vậy không phải là thủ phạm khiến giá lương thực tăng cao. Theo ông, hầu hết sự gia tăng lạm phát là do giá năng lượng và các mặt hàng khác cao hơn.

Giá thực phẩm liệu đã đạt đỉnh?

Tờ New York Times nhận định mặc dù giá sữa đã giảm ở Anh nhưng giá thực phẩm nói chung khó có thể giảm trong tương lai gần. Có những dấu hiệu cho thấy tốc độ lạm phát lương thực đã đạt đến đỉnh điểm. Tháng 4, tỷ lệ này đã giảm ở EU lần đầu tiên sau 2 năm.

Một số chính phủ đang can thiệp bằng cách quy định giới hạn giá của các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Ví dụ, chính phủ Pháp đang yêu cầu các nhà bán lẻ thực phẩm giảm giá một số sản phẩm cho đến tháng 6.

Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng tài chính Pháp, cho biết ông muốn các nhà sản xuất thực phẩm đóng góp nhiều hơn cho nỗ lực trên đồng thời cảnh báo nếu không tuân thủ, họ có thể phải đối mặt với các hình phạt về thuế nhằm thu hồi bất kỳ khoản lợi nhuận nào mà họ thu được từ việc người tiêu dùng phải trả mức giá quá cao.

Những biện pháp này có thể giúp ích cho người tiêu dùng nhưng nhìn chung vẫn chưa giúp họ yên tâm hoàn toàn. Theo đánh giá của các chuyên gia, giá lương thực khó có thể giảm mà chỉ có khả năng tăng chậm lại vào cuối năm nay.

Tháng 3 vừa qua, EU đã đưa ra gói hỗ trợ trị giá gần 500 triệu EUR (tương đương 534 triệu USD) để hỗ trợ nông dân và những nhà sản xuất lương thực ở châu Âu đang chịu ảnh hưởng của chi phí đầu vào tăng cao.

Nội dung: Hạnh Vũ (tổng hợp)

02/06/2023




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC