Khủng bố Al-Qeada sẽ tấn công Đức?Sau Pháp, với hội chứng bom thư làm rung động cả châu Âu, giờ đến lượt Đức đang đứng trước nguy cơ đe dọa khủng bố cao độ sau khi các nguồn tin an ninh cho biết lực lượng khủng bố Al-Qeada sẽ tấn công vào Đức trong dịp cuối tháng 11 này. Do đâu mà châu Âu lại trở thành mục tiêu mới của các nhóm khủng bố quốc tế?

Ngày 17/11, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức, Thomas de Maiziere, ra tuyên bố cảnh báo nguy cơ bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan có thể tấn công nước Đức vào cuối tháng 11 này. Hiện công tác an ninh ở khắp các sân bay và nhà ga xe lửa đều đã được tăng cường. Chính phủ Đức cho biết họ đã nhận được những thông tin từ tình báo Đức và một đối tác quốc tế, được cho là những dấu hiệu chắc chắn về các vụ khủng bố đã được hoạch địch để tấn công nước này vào tuần sau.

Cụ thể, theo báo chí Đức, chính quyền Berlin đã nhận được thông tin từ phía Mỹ cho biết, có từ 2 đến 4 tên khủng bố thuộc mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đang trên đường để tiến hành tấn công khủng bố ở Đức và Anh. Truyền thông Đức dẫn lời phía Mỹ cho biết những tên khủng bố có thể tới Đức vào ngày 22/11 sau khi quá cảnh qua Ấn Độ hoặc Các tiểu vương quốc Arập thống nhất.

Theo các nhà quan sát, điều đáng lo ngại là những tên khủng bố có thể tấn công các trung tâm mua sắm hoặc những mục tiêu tương tự, nơi có nhiều người tụ tập. Họ cho rằng kẻ chủ mưu trong kế hoạch tấn công này là Mohammed Ilyas Kashmiri, một trong những nhân vật cầm đầu của Al-Qaeda xuất thân từ Pakistan.

Tuy nhiên, ông De Maiziere cũng tìm cách trấn an người dân Đức khi cho rằng, mặc dù có lý do để lo ngại nhưng không có nguyên nhân gì để phải hoảng loạn. Bộ trưởng Thomas de Maiziere kêu gọi người dân Đức hãy cảnh giác và báo cho cảnh sát khi phát hiện những chiếc túi vô chủ hoặc những thái độ nghi vấn, đồng thời cho biết công tác an ninh cũng sẽ được thắt chặt tại biên giới của những nước nằm trong khu vực qua lại không cần thị thực nhập cảnh của châu Âu.

Từ nhiều tháng nay, các nước châu Âu luôn nằm trong tình trạng báo động vì lo ngại âm mưu khủng bố. Ngày 28/9 vừa qua, kênh truyền hình Anh Sky News dẫn các nguồn tin tình báo cho biết một kế hoạch tấn công khủng bố, có quan hệ với Al-Qaeda, đã bị các cơ quan an ninh Anh, Pháp, Đức và Mỹ phá vỡ. Trưởng ban các vấn đề đối ngoại của Sky News, Tim Marshall, cho biết các phần tử Hồi giáo cực đoan đã lên kế hoạch tiến hành những cuộc tấn công đồng thời ở London cũng như các thành phố ở Pháp và Đức. Theo Sky News, nhóm lãnh đạo cuộc tấn công khủng bố có cơ sở tại Pakistan và có thể có liên hệ với Taliban.

Hãng tin BBC cũng khẳng định đây là một kế hoạch tấn công được Al-Qaeda chuẩn bị công phu nhất trong những năm gần đây. Các nguồn tin của Sky News cho biết, các cuộc tấn công khủng bố này có thể nhằm vào các cơ sở kinh tế không được bảo vệ chặt chẽ. Quy mô có thể tương tự như vụ khủng bố năm 2008 tại Mumbai (Ấn Độ), khi một nhóm chiến binh Hồi giáo đồng loạt tấn công vào các khách sạn của thủ đô Ấn Độ, khiến 163 người thiệt mạng.

Khủng bố Al-Qeada sẽ tấn công Đức?_0
An ninh được tăng cường trên khắp nước Đức.

Dẫn nguồn tin bí mật, kênh truyền hình Sky News cho biết kế hoạch khủng bố trên đã bị các cơ quan an ninh Mỹ và châu Âu phối hợp phát hiện, dựa trên kết quả thẩm vấn một kiều dân Đức bị nghi ngờ là có quan hệ với khủng bố và bị bắt vào mùa hè vừa qua, khi trở lại châu Âu. Tuy nhiên, giới chức Mỹ từ chối bình luận về những âm mưu cụ thể ở châu Âu hay những nơi khác song thừa nhận hoạt động oanh kích bằng máy bay không người lái ở Pakistan là nhằm phá vỡ các mạng lưới của các phần tử Hồi giáo cực đoan đang lên kế hoạch về các vụ tấn công khủng bố.

Theo đánh giá của các nhà phân tích thì Pháp, Anh và Đức thời gian gần đây liên tục bị nguy cơ khủng bố "bủa vây" đều xuất phát từ một mẫu số chung. Đó là việc các quốc gia này góp quân tham gia các chiến trường chống khủng bố do Mỹ khởi xướng tại Pakistan, Afghankistan và Yemen.

Nếu như Pháp chịu nhiều lời đe dọa tấn công khủng bố là vì việc Quốc hội Pháp ngày 14/9 đã thông qua luật cấm khăn choàng kín toàn thân của phụ nữ Hồi giáo tại các nơi công cộng, rồi việc lực lượng Pháp tham gia vào cuộc chiến chống Taliban tại Afghanistan khiến cho các nhóm Hồi giáo cực đoan giận dữ, và nhất là việc một toán biệt kích Pháp tấn công một căn cứ của tổ chức Al-Qaeda ở Bắc Phi nhằm giải phóng các con tin vào tháng 7/2010, gây tổn thất nặng cho nhóm khủng bố này, thì nguyên nhân dẫn tới việc Đức trở thành mục tiêu của bọn khủng bố lần này cũng không ngoại lệ. Anh và Đức là hai quốc gia có số lượng quân tham chiến tại các chiến trường Afghanistan chỉ đứng sau Mỹ.

Cho đến gần đây, Đức hầu như đã không bị các phần tử Hồi giáo tấn công. Tuy nhiên, Chính phủ Đức luôn ý thức rằng mình là một mục tiêu tiềm năng vì sự hiện diện của 4.950 quân nhân nước họ ở Afghanistan. Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới việc các tổ chức khủng bố quốc tế muốn “dạy cho Chính phủ Đức một bài học”!

Trong một diễn biến khác, ngày 15/11 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã được bầu lại với số phiếu lớn vào chức vụ lãnh đạo Liên minh Dân chủ Kitô giáo. Bà Merkel, người lãnh đạo từ năm 2005 của quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là ứng cử viên duy nhất trong cuộc biểu quyết và đã nhận được trên 90% phiếu. Nhưng đảng của bà mất đi khá nhiều sự ủng hộ của cử tri, theo các cuộc thăm dò dư luận, và đảng này sẽ vất vả trong cuộc bầu cử tại 6 bang vào năm tới.

Nguyễn Lê
Theo CAND




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC