Tháng 10 có vẻ là tháng thứ hai liên tiếp cường quốc kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU) phải chứng kiến lạm phát leeo lên hai con số.
Tỷ lệ 10,4% trong tháng 10 đã tăng từ 10,0% vào tháng 9 và cao hơn mức 10,1% theo dự đoán ban đầu, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết trên trang web của mình.
Giá năng lượng vào tháng 10 năm 2022 cao hơn 43,0% so với thời điểm này năm ngoái và giá thực phẩm cũng tăng “trên mức trung bình” 20,3%, Destatis cho biết thêm.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức sẽ công bố số liệu cuối cùng của tháng này vào ngày 11/11.
Giá tiêu dùng đang tăng trên khắp EU, với tỷ lệ lạm phát chung của khối tăng lên gần 11% vào tháng 9, do chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao.
Là đầu tầu kinh tế của Châu Âu, nền kinh tế Đức đang thực sự rơi vào khó khăn. Với việc giá cả khí đốt và điện tăng vọt, nền kinh tế Đức - nền kinh tế lớn nhất Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến sẽ bị thu hẹp lại. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế ở Munich, cuộc khủng hoảng năng lượng “đang gây tổn hại” đối với nền kinh tế Đức và dẫn đến một mức giảm 0,3% GDP của nước này vào năm tới.
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đang làm tổn thương nền kinh tế Đức, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Bundestag - ông Klaus Ernst mới đây đã thừa nhận như vậy.
Đức đang đối mặt với làn sóng phá sản vì chính sách trừng phạt liên quan đến Nga, ông Ernst cho biết.
Trước đó hồi đầu tháng này, một chính khách cánh tả khác của Đức - bà Sahra Wagenknecht đã chỉ trích chính phủ về việc lôi Đức vào một “cuộc chiến tranh kinh tế” toàn diện với nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của nước này. Phát biểu trước Quốc hội Đức, bà Sahra Wagenknecht cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga đang “gây tai họa” cho chính nước Đức.
Kiệt Linh