Ảnh minh họa: Một chiếc tàu chở container của tập đoàn Trung Quốc Cosco tại một bến cảng ở hải cảng Hamburg (Đức), ngày 27/7/2018. REUTERS - FABIAN BIMMER
Hãng tin Pháp AFP trước hết nhắc lại bối cảnh sự việc : Thủ tướng Olaf Scholz trong tuần này là mục tiêu chỉ trích từ nhiều phía, kể cả trong nội bộ liên minh cầm quyền. Nguyên nhân là do dự án nhượng 35% cổ phần, cho phép tập đoàn Cosco của Trung Quốc được quyền tham gia vào việc khai thác một cảng bốc dỡ hàng hóa tại Hamburg.
Tuy nhiên, Ủy Ban Châu Âu vào mùa xuân này đã có ý kiến phản đối, đánh giá rằng những thông tin nhậy cảm về hoạt động cảng biển có nhiều nguy cơ bị chuyển về Trung Quốc, theo như tiết lộ từ nhật báo kinh tế Đức tờ Handelsblatt. Nhưng ý kiến này chỉ mang tính chất tham vấn, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về chính quyền liên bang Đức.
Cảng biển Hamburg là cảng thương mại lớn nhất nước Đức, nhưng chỉ đứng hàng thứ ba tại châu Âu, sau Rotterdam (Hà Lan) và Anvers (Bỉ), trong khi Cosco là hãng vận chuyển hàng hải lớn nhất của Trung Quốc.
Theo nhiều truyền thông Đức, thủ tướng Scholz dường như có ý định bật đèn xanh cho giao dịch chuyển nhượng cổ phần bất chấp ý kiến phản đối từ sáu bộ trong chính quyền liên bang : Kinh Tế, Nội Vụ, Quốc Phòng, Tài Chính, Giao Thông và Ngoại Giao.
Thủ tướng Đức viện dẫn rằng việc Trung Quốc tham gia vào các hoạt động khai thác cảng biển « đã có tại nhiều cảng biển khác ở Tây Âu ». Trong đó, cảng biển Anvers và Rotterdam, đã từng đúc kết các thỏa thuận tương tự như thế trong quá khứ, và điều này đã khiến cho chính quyền Hamburg lo sợ mất lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, Bruxelles cho rằng thời kỳ đã thay đổi. Liên Âu cho rằng việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu có một tầm quan trọng lớn kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh do Nga tiến hành tại Ukraina. Đức đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã không quan tâm đúng mức đến những cảnh báo liên quan đến sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Minh Anh
RFI