Chính phủ liên bang Đức đang lên kế hoạch ban hành một dự luật “cứng nhắc” về “cắt giảm sử dụng khí đốt” nhằm bảo vệ môi trường nhưng lại gặp phải “phản kháng” từ các doanh nghiệp, tập đoàn khí đốt của quốc gia này.
Một nhà máy năng lượng tại thị trấn Leipzig, phía đông nước Đức. Ảnh: Reuters
Bài viết của tác giả Daniel Wetzel đăng trên tờ Die Welt (Thế giới) của Đức ngày 30/10 đã đề cập đến vấn đề này.
Theo đó, trong khoảng thời gian ngắn trước khi Chính phủ liên bang Đức thông qua Kế hoạch hành động “Bảo vệ khí hậu đến năm 2050”, ngành công nghiệp khí đốt Đức đã cảnh báo về nguy cơ của một sự chuyển đổi sai lầm có thể gây ra những tổn hại, rủi ro đối với vấn đề sử dụng năng lượng và nền kinh tế của Đức.
Được biết khí đốt đóng vai trò chủ đạo trong thị trường tiêu thụ năng lượng của Đức, trước tiên, đó là nguyên liệu được người dân Đức ưa thích sử dụng để sưởi ấm.
Thời gian qua, Văn phòng Thủ tướng liên bang đã phải đã tiếp nhận “thư khẩn” của mười tập đoàn năng lượng lớn, trong đó, họ kêu gọi Chính phủ liên bang không nên đưa ra quyết định vội vàng về việc cắt giảm sử dụng khí đốt tự nhiên.
Một vài đại diện của ngành công nghiệp khí đốt đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Chính phủ liên bang.
Với bản kế hoạch “Bảo vệ khí hậu đến năm 2050”, các nhà cầm quyền Đức muốn thiết lập một khái niệm cơ bản mà họ gọi là “chiến lược loại bỏ CO2” trước khi quốc gia này đến với Hội nghị về biến đổi khí hậu Thế giới (COP22) diễn ra ở Marrakech (Marroco) trong tuần từ 7-18/11.
Việc thực hiện kế hoạch này theo dự kiến của Chính phủ liên bang sẽ giúp Đức giảm được lượng khí thải CO2 từ các nhà máy điện công nghiệp, nhà máy công nghiệp, hệ thống sưởi và hệ thống giao thông vận tải.
Theo đánh giá của các tập đoàn công nghiệp khí đốt, kế hoạch của Chính phủ liên bang đã “làm ngơ” những đóng góp của ngành khí đốt đối với nền kinh tế của Đức để đạt được mục tiêu loại bỏ CO2 và cũng như tiềm năng tân tiến của công nghệ khí đốt.
Cả ngành công nghiệp nhiệt sưởi cũng như các tập đoàn khí đốt đều lo lắng với nội dung của bản dự thảo kế hoạch của Chính phủ liên bang, trong đó, họ cho rằng nội dung của bản kế hoạch như là một “tín hiệu sai trong định hướng cho đầu ra của khí đốt".
Trong thư gửi Văn phòng thủ tướng liên bang, các tập đoàn năng lượng khí đốt đã biện minh rằng “Khí đốt có thể có màu xanh” – tức là nguồn năng lượng sinh thái xanh và sạch.
Họ chỉ ra rằng, khí thiên nhiên tổng hợp điện phân (khí mêtan) có thể được sử dụng để sản xuất điện sinh thái.
Với mạng lưới đường ống và hệ thống tích trữ khí đốt hiện có, trong trường hợp cần thiết và điều kiện thời tiết cho phép, các nguyên liệu khí đốt sẽ được sử dụng để sản xuất dòng điện sinh thái.
Mặt khác, hiệp hội các doanh nghiệp khí đốt của Đức cũng cho rằng, việc buộc cắt giảm sử dụng khí đốt sẽ không chỉ là "một sự can thiệp lớn trên thị trường," mà nó cũng sẽ làm tăng chi phí tiết kiệm CO2 không cần thiết và đe dọa cơ sở hạ tầng trung tâm của cuộc cách mạng năng lượng".
Thực tế cho đến nay các nhiên liệu và khí đốt thiên nhiên vẫn đóng vai trò lớn trong việc cung cấp nguồn năng lược cho Đức.
Các nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên hiện nay hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu điện toàn liên bang.
Trong khi đó, khí sưởi ấm từ khí đốt đang thống trị với thị phần 62 % thị trường khí sưởi, tiếp theo là khí lò hơi nhiệt độ thấp với hơn 15 %.
Các nguồn nhiên liệu thay thế được chính phủ Đức ưa chuộng để phục vụ cho kế hoạch chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với khoảng 8%.
Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu ở Paris (COP21) cuối năm 2015, cộng đồng thế giới đã viết lịch sử khi lần đầu tiên tất cả các quốc gia trên thế giới tự đặt nghĩa vụ hạn chế xả thải khí nhà kính và ấn định mục tiêu khó khăn đó là chấm dứt sự nóng lên của trái đất “rõ rệt dưới mức 2 độ“ so với kỷ nguyên tiền công nghiệp.
Theo đó, Chính phủ liên bang Đức có kế hoạch xây dựng một bộ luật cấp tiến – mà với bộ luật này nền kinh tế Đức đang phải đứng trước những lo ngoại.
Bộ Liên bang về môi trường, bảo vệ thiên nhiên, xây dựng và an ninh lò phản ứng nguyên tử Đức đã đề xuất đưa ra “Kế hoạch bảo vệ khí hậu 2050“ miêu tả con đường thực thi giảm thiểu CO2 đến 2050 của quốc gia này; kế hoạch này sẽ được Chính phủ liên bang phê chuẩn trong năm 2016.
Tham vọng của Đức là tới năm 2050 sẽ hoàn toàn không còn sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí ga. Đức cũng chủ trương tới năm 2020 sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thêm 40% so với mức của năm 1990 và tới năm 2050 là giảm ít nhất từ 80-95%.
Nhiều tập đoàn lớn của Đức hiện đề nghị chính phủ nước này cần có một kế hoạch bảo vệ môi trường quyết liệt hơn, trong khi Hiệp hội công nghiệp Đức (BDI) lại tỏ ra không mặn mà với kế hoạch này.
Theo Thanh Bình
Die Welt/ Báo Tin Tức