Kết quả một cuộc khảo sát do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) công bố ngày 3/5, cho biết khoảng một nửa số đô thị ở Đức gặp khó khăn liên quan giá năng lượng tăng.
Cụ thể, trong tháng 2 vừa qua, giá điện tiêu dùng và các loại nhiên liệu hóa thạch cao hơn tới 40% so với mức trung bình của giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Các đô thị của Đức bị tác động do giá năng lượng tăng, chủ yếu liên quan đến chi phí sưởi ấm, điện hoặc nhiên liệu.
Chuyên gia kinh tế hàng đầu của KfW, Tiến sĩ Fritzi Koehler-Geib, cho hay: "Hầu hết các đô thị đang cảm nhận rõ tác động của sự tăng giá năng lượng. Đối với nhiều người, điều này thậm chí là gánh nặng đáng kể".
Theo KfW, các đô thị phải ứng phó với việc tăng giá năng lượng bằng cách tiết kiệm các khoản chi ngân sách khác cũng như điều chỉnh việc tiêu thụ năng lượng.
Gần 70% các đô thị được khảo sát cho biết đang thực hiện các biện pháp để tăng đầu tư vào hiệu quả năng lượng nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và chi phí. Các biện pháp này tập trung vào việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện.
Cũng theo Tiến sĩ Koehler-Geib, điều quan trọng là các đô thị phải thực hiện các biện pháp bền vững để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Điều này sẽ giúp bảo vệ ngân sách của các đô thị khỏi ảnh hưởng do sự biến động về giá năng lượng.
Ngoài ra, các khoản đầu tư vào hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo cũng có thể góp phần giúp Đức hoàn thành các mục tiêu về bảo vệ khí hậu./.
Mạnh Hùng/TTXVN