Mặt khác, diễn biến này làm sống dậy những hoài nghi ở Berlin và phần còn lại của châu Âu về các cam kết của Washington sau những “trải nghiệm” đầy bất ổn với cựu Tổng thống Donald Trump.
Quan điểm của người Đức
Căng thẳng quanh vấn đề Ukraine leo thang khi Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga đưa hơn 100.000 quân tới sát sườn Ukraine nhằm chuẩn bị kế hoạch “xâm lược” nước láng giềng. Mát-xcơ-va nhiều lần phủ nhận thông tin trên, khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới đều vì mục đích phòng thủ.
Dù vậy, hành động của Nga đã kích hoạt lời kêu gọi từ Kiev về sự hỗ trợ quân sự của Mỹ và các thành viên khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Ðáp lại, nhiều nước NATO và khu vực Baltic gấp rút chuyển giao vũ khí giúp quốc gia Ðông Âu củng cố thế trận phòng thủ.
Vũ khí do Mỹ viện trợ tại sân bay thủ đô Kiev. Ảnh: Getty Inages
Riêng Ðức không có tính toán như vậy. Ðể tránh leo thang căng thẳng, Berlin kiên quyết từ chối hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, thậm chí không cấp giấy phép xuất khẩu lựu pháo D-30 nhằm ngăn một quốc gia NATO khác là Estonia chuyển số vũ khí trên cho Kiev. Thay vào đó, chính quyền tân Thủ tướng Olaf Scholz thông báo hỗ trợ một bệnh viện dã chiến và viện trợ 5.000 mũ sắt như “tín hiệu rõ ràng rằng Berlin đứng về phía Kiev”.
Theo Phó Chủ tịch Quỹ Marshall (Mỹ) Thomas Kleine-Brockhoff, Ðức được coi là thành viên NATO ôn hòa nhất, một phần dựa trên chủ nghĩa hòa bình và hạn chế xuất khẩu vũ khí vốn là chính sách lâu đời của Berlin. Ngoài ra, việc Ðức Quốc xã từng thực hiện nhiều tội ác ở Ukraine và nhiều nước khác ở Ðông Âu trong Thế chiến 2 vẫn còn đè nặng lương tâm người Ðức hiện đại. Do đó, ý tưởng Berlin can dự quân sự hoặc bán vũ khí cho các “vùng đất máu” mà họ từng tạo ra là một điều xa vời.
NATO chia rẽ
Với tư cách là một nhân tố chính ở châu Âu, động thái của Ðức vấp phải phản ứng tiêu cực từ Ukraine cũng như giới phê bình Mỹ. Trong đó, phản ứng ở Washington đặc biệt khiến nhiều người nhớ lại “điệp khúc chỉ trích” của chính quyền Tổng thống Trump nhắm vào Berlin, kéo theo quyết định rút 9.500 binh sĩ Mỹ khỏi Ðức và làm xói mòn hơn nữa bản chất mối quan hệ xuyên Ðại Tây Dương.
Theo ông Kleine-Brockhoff, mối quan hệ chia rẽ giữa các thành viên NATO đã tồn tại kể từ khi liên minh được thành lập năm 1949 đến khi mở rộng với khoảng 30 nước như hiện nay. Ðối với Ðức, vốn gia nhập NATO với tên gọi Tây Ðức vào năm 1955 và thống nhất sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, các cam kết liên minh cần được cân bằng với lợi ích quốc gia. Yếu tố chủ quyền này có thể là động cơ giúp họ trở thành đồng minh tốt của NATO, nhưng cũng dẫn tới xung đột. Và đây chính là lý do cho những xích mích trong liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Hiện câu hỏi đặt ra với người Mỹ là Ðức có phải đồng minh đáng tin cậy không? Tương tự, Berlin nói riêng và châu Âu nói chung cũng nghi vấn Washington có còn là chỗ dựa vững chắc với chính sách đối ngoại nhất quán.
Trật tự thế giới đa cực
Ðức là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, lớn nhất châu Âu và gấp hơn 2,5 lần so với Nga, dù có quân đội nhỏ hơn nhiều. Ðối với tranh luận về thái độ của Ðức trong khủng hoảng Ukraine, các nhà phân tích cho rằng một câu hỏi lớn khác đang được đặt ra là vị trí của Berlin khi trật tự thế giới đang chuyển dịch nhanh chóng.
Theo chuyên gia Samuel Ramani, Ðức đang tìm hướng đi độc lập hơn trong các vấn đề đối ngoại và xu hướng này được phản ánh trong quyết định của Berlin vào năm 2011, khi đó họ đã “quay lưng” với Anh, Mỹ và Pháp để về chung phe với Trung Quốc và Nga bỏ phiếu trắng trong một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tán thành can thiệp vào Libya. Sau này, mối quan hệ băng giá với chính quyền Trump làm xói mòn đáng kể niềm tin vào sự lãnh đạo của Mỹ, dẫn đến việc Ðức sẵn sàng chấp nhận một trật tự đa cực. Hiện Berlin nỗ lực cân bằng giữa chính sách đối ngoại và các cam kết trong NATO để đảm bảo an ninh đi kèm mối quan hệ với Mỹ và vai trò lãnh đạo trong Liên minh châu Âu. Ðồng thời, họ muốn thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và Trung Quốc để củng cố vị thế địa chính trị.
MAI QUYÊN (Theo Newsweek)
Nguồn: baocantho.com.vn