Trong 5 năm qua, nền kinh tế Đức không ghi nhận tăng trưởng đáng kể nào. Đây là một diễn biến đáng ngạc nhiên đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu - quốc gia từng thống trị thương mại toàn cầu về máy móc công nghiệp và xe hơi cao cấp trong phần lớn thế kỷ này.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Dưới đây là năm yếu tố chính:
1. Khủng hoảng năng lượng từ Nga
Quyết định của Moscow cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Đức sau cuộc xâm lược Ukraine đã gây ra tổn thất nặng nề. Trong nhiều thập kỷ, mô hình kinh tế của Đức dựa vào nguồn năng lượng giá rẻ để thúc đẩy sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu.
Năm 2011, dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, Đức quyết định đẩy nhanh việc từ bỏ năng lượng hạt nhân, đồng thời dựa vào khí đốt Nga trong quá trình chuyển đổi từ than đá sang năng lượng tái tạo. Khi đó, Nga được xem là đối tác đáng tin cậy, bất chấp những cảnh báo từ Ba Lan và Hoa Kỳ.
Khi Nga ngừng cung cấp, giá khí đốt và điện tăng vọt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp năng lượng cao như thép, phân bón, hóa chất và thủy tinh. Đức buộc phải chuyển sang nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Hoa Kỳ với giá cao hơn nhiều so với khí đốt đường ống.
Theo nghiên cứu của công ty Prognos AG thực hiện cho Hiệp hội Công nghiệp Bavaria, chi phí điện công nghiệp ở Đức hiện đạt trung bình 20,3 euro cent/kWh, trong khi tại Mỹ và Trung Quốc chỉ khoảng 8,4 euro cent/kWh.
2. Trung Quốc: Từ đối tác thành đối thủ
Một số nhà kinh tế trước đó đã cảnh báo rằng Đức đang bên bờ vực suy thoái do sản lượng nhà máy liên tiếp giảm hàng tháng. Ảnh: Kai Pfaffenbach/Reuters
Trong nhiều năm, Đức hưởng lợi từ sự hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu.
Các công ty Đức tìm được thị trường khổng lồ cho máy móc công nghiệp, hóa chất và ô tô. Đầu những năm 2010, các hãng Mercedes-Benz, Volkswagen và BMW thu được lợi nhuận lớn từ thị trường ô tô lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu cạnh tranh trực tiếp với Đức trong các lĩnh vực thế mạnh.
Ví dụ điển hình là ngành pin mặt trời: năm 2010, các nhà sản xuất Trung Quốc còn phụ thuộc vào thiết bị Đức, nhưng giờ đây toàn bộ ngành công nghiệp này lại phụ thuộc vào thiết bị Trung Quốc.
3. Thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng
Trong thời kỳ thịnh vượng, Đức đã trì hoãn đầu tư vào các dự án dài hạn như đường sắt và internet tốc độ cao. Chính phủ tập trung vào cân bằng ngân sách thay vì đầu tư phát triển.
Hậu quả là ngày nay, hệ thống đường sắt thường xuyên chậm trễ, nhiều vùng nông thôn vẫn chưa có internet tốc độ cao. Các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như đường dây điện Bắc-Nam bị trì hoãn nhiều năm.
4. Khan hiếm lao động có tay nghề
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, 43% doanh nghiệp không thể tuyển đủ nhân sự, con số này lên tới 58% ở các công ty có trên 1.000 nhân viên.
Nguyên nhân bao gồm: ít sinh viên theo học ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), dân số già hóa, thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em, và rào cản hành chính trong việc tuyển dụng lao động nhập cư có tay nghề.
5. Gánh nặng thủ tục hành chính
Các thủ tục phê duyệt kéo dài và yêu cầu giấy tờ phức tạp đang cản trở sự phát triển kinh tế. Ví dụ:
- Xin giấy phép xây dựng tuabin gió có thể mất nhiều năm
- Doanh nghiệp lắp đặt pin mặt trời phải đăng ký với cả chính quyền và công ty điện lực địa phương
- Nhà hàng phải lưu trữ cả bản cứng và bản điện tử về nhiệt độ tủ lạnh
- Luật giám sát chuỗi cung ứng của Đức còn nghiêm ngặt hơn cả quy định của EU
Thành Lộc - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC