"Đây không còn là mùa hè. Nó giống như địa ngục và sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho sự sống của con người, nếu chúng ta tiếp tục không hành động vì khí hậu", nữ nghị sĩ Melanie Vogel thuộc Đảng Xanh (Pháp) bình luận trên Twitter vào ngày 16-7.
Hàng trăm người chết
Tại Tây Ban Nha, gần một nửa khu vực rừng cây của dãy núi Sierra de la Culebra nằm ở tây bắc nước này đã bị thiêu rụi, khiến cháy rừng tại đây trở thành đám cháy lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Tây Ban Nha.
Gần Costa del Sol, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền nam Tây Ban Nha, hàng ngàn người đã phải sơ tán do cháy rừng lan rộng ở dãy núi Sierra de Mijas.
Số liệu của Viện Y tế Carlos III cho thấy nhiệt độ cao trong ba ngày đầu tiên của đợt nắng nóng mới nhất ở Tây Ban Nha, chính thức bắt đầu hôm 10-7, đã khiến 84 người thiệt mạng.
Còn Bộ Y tế Bồ Đào Nha ghi nhận 238 trường hợp tử vong do nắng nóng ở nước này từ ngày 7 tới 13-7.
Trong khi đó, hơn 10.000 người đã phải sơ tán khỏi các khu vực ở tây nam Pháp khi các đám cháy rừng hoành hành ở vùng Gironde.
Theo truyền thông địa phương, 3 đám cháy lớn vẫn còn hoạt động và khu vực rộng hơn 5.000ha đã bị thiêu rụi. Hôm 16-7, Cơ quan khí tượng Pháp đã phát cảnh báo nóng mức cam cho 38 tỉnh.
Với Vương quốc Anh, các quan chức chính phủ cảnh báo cần chuẩn bị đối phó với những ngày nóng nhất trong lịch sử Anh vào ngày 18 và 19-7 với nhiệt độ dự báo đạt mức kỷ lục 40oC.
Cơ quan khí tượng Anh lần đầu tiên đã phát cảnh báo đỏ về nắng nóng, có nghĩa là không chỉ những người dễ bị tổn thương mà cả những người khỏe mạnh cũng có thể dễ bị bệnh và thiệt mạng.
Theo Hãng tin AFP, đây là đợt sóng nhiệt thứ hai tấn công các khu vực ở tây nam châu Âu trong nhiều tuần qua. Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân và dự đoán các đợt thời tiết khắc nghiệt tương tự sẽ diễn ra thường xuyên, dữ dội hơn.
Trong bối cảnh châu Âu đang trải qua cái nóng, các chính trị gia cũng đang đổ mồ hôi.
Trang Politico bình luận vào hôm 16-7.
Học cách thích nghi
Theo Đài Deutsche Welle, nhiều người ở châu Âu vẫn còn không nhận thức được những rủi ro mà nhiệt độ cao gây ra cho sức khỏe.
Do đó, các cơ quan y tế như Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) đã kêu gọi công chúng thay đổi thói quen, tránh ánh nắng mặt trời trong khung giờ từ 11h - 15h và học cách phát hiện các dấu hiệu ban đầu của tình trạng say nắng.
Tại Tây Ban Nha, nơi nhiệt độ đã tăng vọt trên 40oC, các cơ quan y tế đã cảnh báo về những rủi ro sức khỏe do tiếp xúc với nhiệt độ quá cao, đồng thời khuyến cáo mọi người nên ở trong những không gian có bóng râm hoặc máy điều hòa nhiệt độ và uống nhiều nước.
Trong khi đó, người sử dụng lao động ở châu Âu sẽ phải thay đổi thái độ của họ đối với vấn đề làm việc ngoài trời hoặc trong các không gian thông gió kém.
Các công đoàn của Đức đã đề xuất vào những ngày đặc biệt nóng, người lao động nên được nghỉ trưa ở những nơi có mái che do chủ thuê cung cấp.
"Các chủ thuê phải bảo vệ người lao động của họ và sau đó chính quyền cũng phải đảm bảo rằng người lao động được bảo vệ dù đó là giấc ngủ trưa, giờ làm việc linh hoạt hay vấn đề nghỉ giải lao thường xuyên hơn", bà Sari Kovats, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London (Anh), bình luận.
Giữa cái nóng như thiêu đốt ở châu Âu, người dân đổ xô ra sông hồ để giải nhiệt. Trong ảnh, một bé trai được tắm mát ở thành phố Vlora của Albania lúc hoàng hôn ngày 16-7 - Ảnh: REUTERS
Thông thường mùa hè là khoảng thời gian tương đối ít áp lực đối với các dịch vụ y tế châu Âu, nhưng với tình trạng nắng nóng khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn, các hệ thống y tế cũng cần chuẩn bị đối đầu với tình trạng gia tăng bệnh nhân do sóng nhiệt.
Các nghiên cứu phát hiện các đợt sóng nhiệt làm tăng ít nhất 10% số người được đưa vào phòng cấp cứu khi nhiều người gặp triệu chứng mất nước, say nắng và buồn nôn.
Những người trên 65 tuổi có nguy cơ đặc biệt cao, và điều này có nghĩa phần lớn dân số già của châu Âu rất dễ bị tổn thương.
Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu công bố năm ngoái, với xu hướng hiện tại và nếu không có khả năng thích ứng thêm, số người chết hàng năm liên quan đến nắng nóng khắc nghiệt tại Liên minh châu Âu có thể tăng từ mức khoảng 2.700 người/năm lên 30.000 - 50.000 người vào năm 2050.
Nguồn: NASA - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Nắng nóng kéo dài ở Trung Quốc
Tại châu Á, Trung Quốc là một trong những nước đang bị ảnh hưởng nặng do nắng nóng những ngày qua. Nước này dự báo đợt nắng nóng kinh hoàng hiện tại - đã kéo dài hơn 30 ngày và ảnh hưởng đến hơn 900 triệu dân - sẽ còn tiếp tục trong vài tuần tới.
Theo Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc, từ ngày 1-6 đến 12-7, số ngày trung bình có nhiệt độ trên 35oC ở Trung Quốc là 5,3 ngày, tăng 2,4 ngày so với các năm bình thường và phá vỡ kỷ lục năm 1961.
Hơn 70 trạm thời tiết lớn đã ghi nhận nhiệt độ đạt kỷ lục, trong đó nhiệt độ cao nhất trong ngày tại một số địa phương ở tỉnh Hà Bắc và Vân Nam đạt trên 44oC.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online