Người dân ở thị trấn Broadstairs, Anh đổ ra bãi biển Viking Bay trong ngày 17-7 do nắng nóng - Ảnh: REUTERS
Theo trang The Conversation của Úc, nghiên cứu chỉ ra cứ mỗi 1 độ C cao hơn so với nhiệt độ trung bình hằng tháng, các ca tử vong liên quan đến sức khỏe tinh thần tăng 2,2%.
Nắng nóng cũng ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và hành động lý trí của những người không bị các vấn đề tâm thần. Cụ thể, các vùng não chịu trách nhiệm nhận định và giải quyết các nhiệm vụ nhận thức phức tạp bị suy giảm do nhiệt độ cao.
Trong thử nghiệm với sinh viên ở Boston, Mỹ, các nhà nghiên cứu thấy rằng các sinh viên phải làm bài kiểm tra nhận thức trong phòng không có máy lạnh đạt kết quả kém hơn 13% so với những sinh viên làm bài trong phòng có máy lạnh. Thời gian trả lời của họ cũng chậm hơn 13%.
Khi không suy nghĩ mạch lạc do nắng nóng, nhiều khả năng chúng ta sẽ trở nên bực bội, có thể có các hành vi hung hăng.
Có nhiều bằng chứng cho thấy có sự liên hệ giữa nóng cực độ với sự gia tăng tội phạm bạo lực. Khi nhiệt độ môi trường tăng lên 1 - 2 độ C, các vụ tấn công có thể tăng 3 - 5%.
Đến năm 2090, ước tính biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân làm gia tăng tới 5% các loại tội phạm trên toàn cầu. Lý do của sự gia tăng này liên quan đến sự tương tác phức tạp của các yếu tố tâm lý, xã hội và sinh học. Ví dụ, một chất hóa học trong não được gọi là serotonin có tác dụng giúp chúng ta kiểm soát sự hung hăng, và chất này bị ảnh hưởng khi nắng nóng.
Còn nhiều điều chúng ta chưa hiểu rõ về sự tác động lẫn nhau phức tạp giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe tinh thần - đặc biệt là tác động của sóng nhiệt. Nhưng đây là lời nhắc nhở quan trọng rằng chúng ta có thể giúp bản thân và các thế hệ tương lai bằng cách hành động trước biến đổi khí hậu.
Theo Đài BBC, các đợt nắng nóng trở nên thường xuyên hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn là bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra. Thế giới đã ấm lên khoảng 1,1 độ C kể từ khi thời kỳ công nghiệp bắt đầu. Nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng, trừ khi các chính phủ trên thế giới cắt giảm mạnh lượng khí thải carbon.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online