Ngân hàng trung ương Đức đã đưa ra những con số rất đáng chú ý.
Theo đó, ngân hàng Bundesbank của Đức cho biết một lệnh cấm vận như vậy có thể gây cản trở sự phục hồi của nước này hậu đại dịch COVID-19 kèm theo nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu trở lại tình cảnh suy thoái nghiêm trọng.
Yahoo News trích dẫn lời cảnh báo của Bundesbank cho hay Đức có thể sẽ phải trả cái giá lên tới 180 tỷ euro (195 tỷ USD) nếu ngừng nhập dầu khí và than đá của Nga - con số này lớn hơn nhiều so với ước tính trước đó của một số nhà kinh tế học Đức.
Viễn cảnh thiệt hại này là nguyên nhân khiến Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhiều lần từ chối trừng phạt năng lượng Nga do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất. Thủ tướng Scholz đã viện dẫn thực tế là Đức chưa có giải pháp thay thế ngay lập tức cho nguồn cung năng lượng của Nga, đặc biệt là nguồn khí đốt tự nhiên.
Được biết, ngành công nghiệp hóa chất của Đức sử dụng khí đốt tự nhiên nhiều nhất sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng nếu nước này ngừng nhập khí đốt Nga (giá tương đối rẻ so với những nguồn cung khác).
Thái độ của Đức đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ các đồng minh EU và từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Kể từ khi Nga tiến hành cái họ gọi là "chiến dịch đặc biệt" ở nước láng giềng, Đức đã giảm hơn một nửa lượng khí đốt nhập khẩu và hơn 25% lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Theo Yahoo News, Bundesbank cũng cảnh báo rằng nhu cầu tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế sẽ khiến lạm phát tăng vọt, làm tăng hơn 1,5 điểm phần trăm vào chỉ số giá tiêu dùng năm nay và hơn 2 điểm phần trăm cho năm 2023.
Tuy nhiên Bundesbank cũng nói rằng những dự báo này sẽ còn thay đổi dựa vào tình hình và diễn biến thực tế.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Đức hôm 22/4 cũng đã lên tiếng giải thích lý do Đức không ủng hộ một lệnh cấm vận hoàn toàn đối với khí đốt Nga. Theo đó, ông Scholz nói rằng lệnh cấm khí đốt Nga sẽ không thể chấm dứt xung đột nhưng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Đức và EU.
"Chúng tôi muốn tránh kịch bản xảy ra khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng khiến hàng triệu việc làm mất đi và các nhà máy bị đóng cửa vĩnh viễn. Điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Đức và toàn bộ châu Âu. Đức không thể để điều đó xảy ra", ông Scholz nhấn mạnh rằng lệnh cấm vận thậm chí sẽ gây ra "hậu quả toàn cầu"./.
Theo Trí Thức Trẻ