Đồng euro cuối cùng sẽ tan rã, và "đao phủ" của đồng tiền này chính là Đức – nước sở hữu nền kinh tế và quyền lực lớn nhất châu Âu.
Trước đây, khi nói về cuộc chiến tại Iraq, Tướng David Petraeus đã nói: “Hãy nói cho tôi biết mọi chuyện sẽ kết thúc bằng cách nào.”
Các nhà lãnh đạo hàng đầu tại châu Âu hiện đang đặt ra câu hỏi tương tự khi họ ứng phó với khủng hoảng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Sau khi thất bại trong việc kìm hãm khủng hoảng khởi đầu tại Hy Lạp, các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng họ có thể ngăn khủng hoảng ở Ireland.
Thế nhưng ngay cả khi đã tính đến kế hoạch giải cứu Ireland, thị trường trái phiếu vẫn nhìn nhóm nước châu Âu đang khó khăn như Bồ Đào Nha với con mắt dè chừng.
Sau Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha sẽ trở thành nạn nhân kế tiếp. Khi nền kinh tế lớn như Tây Ban cũng cần đến kế hoạch giải cứu, tương lai của toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ bị “hủy diệt”.
Đồng euro cuối cùng sẽ tan rã, và “đao phủ” của đồng tiền này, không còn nước nào khác, chính là Đức – nước sở hữu nền kinh tế lớn và nắm quyền lực lớn nhất tại Liên minh châu Âu.
Tuần trước, Financial Times đã đưa một số tin với tựa đề “Sự cáu giận đối với người Đức” tăng cao. Một số quan chức châu Âu chỉ trích rằng khủng hoảng mới nhất tại châu Âu bắt nguồn từ chính sách thiếu linh hoạt của Đức.
Chính người Đức có đủ lý do để không mấy vui vẻ với cái cách mà đồng euro đang điều chỉnh. Nước Đức trải qua một thập kỷ khốn khổ với việc lương giảm và dịch vụ của chính phủ bị rút bớt.
Nhiều người dân Đức điên lên khi tiền đóng thuế của họ không phục vụ cho lợi ích của nước Đức mà được dùng để chi tiêu cho người Hy Lạp về hưu sớm hay giúp chính phủ Ireland giảm thuế doanh nghiệp để hút đầu tư về nước họ.
Người Đức cũng được hứa rằng đồng euro sẽ ổn định như đồng mác Đức và sẽ chẳng có chương trình giải cứu nào khi mà nước giàu phải tung tiền cứu nước nghèo.
Cuối cùng, cả 2 lời hứa trên đã bị phá vỡ. Người ta vì thế ngày một lo lắng về việc tòa án tối cao Mỹ sẽ tuyên bố sự tham gia của chính phủ Đức vào kế hoạch giải cứu của Liên minh châu Âu là “bất hợp pháp”.
Việc chính phủ Đức sợ hãi chính tòa án tối cao của nước này chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến khủng hoảng. Năm 2010, chính phủ Đức bị buộc tội hành động quá chậm trể để đưa ra kế hoạch giải cứu dành cho Hy Lạp. Tuy nhiên sự chậm trễ bắt nguồn từ nỗi sợ rằng nếu hành động quá gấp gáp, nước này vi phạm một số hiệp ước với châu Âu.
Khủng hoảng hiện nay tại Ireland bắt nguồn từ cách đây khoảng 1 tháng khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng tương lai tại châu Âu, những bên sở hữu trái phiếu tư nhân cần phải gánh nhiều thua lỗ hơn và cần thay đổi một số hiệp ước tại châu Âu. Tuyên bố trên được đưa ra dưới áp lực của tòa án.
Tuyên bố từ Đức ngay lập tức tạo ra cực kỳ nhiều áp lực lên nhóm nước nhận giải cứu. Tại Hy Lạp, các cuộc biểu tình tại Athen nổ ra với tần suất và quy mô lớn. Tại Ireland, người ta nói nhiều đến khả năng mất chủ quyền quốc gia và đến ngày thứ Hai vừa rồi, chính phủ đương nhiệm tuyên bố sẽ giải tán vào tháng sau.
Sau hàng loạt biến cố trên, chắc hẳn không ít chính phủ các nước đặt câu hỏi: suy cho cùng, họ sẽ giàu hơn hay nghèo hơn nếu không sử dụng đồng tiền chung châu Âu?
Hy Lạp hay Bồ Đào Nha sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn nếu họ toàn quyền hạ giá đồng nội tệ.
Thế nhưng việc rời khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ khiến nhóm nước Nam Âu này không khỏi bẽ mặt nhưng hiện không tồn tại cơ chế nào để họ rời khu vực đồng tiền chung một cách đàng hoàng, trật tự. Bất kỳ sự chuẩn bị nào cũng sẽ tác động xấu đến lĩnh vực ngân hàng.
Vậy nếu đồng euro tan rã, nước đâm đơn kiện kịch liệt nhất chắc chắn sẽ là nước có nền kinh tế mạnh nhất – nước Đức.
Người Đức sẽ làm việc này một cách vội vàng hay nhẹ nhàng. Cam kết giữ châu Âu thống nhất luôn nằm trong chính sách ngoại giao của Đức hơn nửa thế kỷ qua.
Thế nhưng nếu người Đức tin rằng các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu không thể tiếp tục ứng phó nổi với tình hình và rằng thử nghiệm đồng tiền chung không phát huy hiệu quả, họ sẽ quyết định rời đi.
Có thể đưa ra 2 kịch bản:
Thứ nhất, khủng hoảng tài chính sẽ liên tiếp nổ ra tại châu Âu và ảnh hưởng cả đến nhóm nền kinh tế lớn tại châu Âu, người đóng thuế Đức sẽ hết hy vọng vào việc tiền vay của họ cho các nước khác sẽ được hoàn trả.
Thứ hai, thay đổi trong hiệp ước mà chính phủ Đức đang đề xuất sẽ không được toàn bộ các nước thuộc Liên minh châu Âu chấp thuận. Lúc đó, người Đức sẽ nói: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng các nước châu Âu khác không đồng ý làm điều cần thiết để bảo vệ chính họ.” Người Đức tự tháo buộc cho mình khỏi trách nhiệm “xây dựng châu Âu.”
Theo FT.