Đại sứ quán Nga tại thủ đô Berlin, Đức - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Hãng tin AFP, trong thông báo ngày 25-4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết bộ đã triệu đại sứ Đức tại Matxcơva và trao cho đại sứ Đức công hàm "tuyên bố không hoan nghênh 40 nhân viên của các cơ quan ngoại giao Đức tại Nga".
Thuật ngữ "persona non grata" chỉ việc một nước không muốn sự hiện diện của một hay nhiều người được nước khác phái cử. Cá nhân bị tuyên bố là "persona non grata" thường phải rời khỏi quốc gia sở tại, đồng nghĩa với một lệnh trục xuất.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã "phản ứng mạnh mẽ với người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của Đức tại Matxcơva, vì quyết định không thân thiện của Chính phủ Đức".
Phản ứng lại, Berlin cho biết quyết định trục xuất 40 nhà ngoại giao Đức của Nga là "không chính đáng".
Ngày 4-4, Đức tuyên bố 40 nhà ngoại giao Nga là những "người không được hoan nghênh", nói những người này phải rời Đức về Nga trong vòng 5 ngày sau đó.
Bộ Ngoại giao Nga giải thích việc trục xuất các nhà ngoại giao là hành động có đi có lại do trước đó những nước này đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Theo Hãng tin Reuters, tính đến nay đã có hơn 300 nhà ngoại giao Nga bị các nước châu Âu trục xuất kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24-2.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov từng cho rằng làn sóng trục xuất các nhà ngoại giao gần đây của các nước phương Tây đang đe dọa đến việc duy trì các mối quan hệ ngoại giao giữa các nước này với Nga.
Theo AFP, các nước thành viên EU trục xuất các nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Nga với cáo buộc gián điệp, hay "các lý do an ninh quốc gia".
Trong một diễn biến liên quan, theo Hãng tin RIA, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Matxcơva có thể tịch thu các tài sản tại Nga để đáp trả "các hành động không thân thiện" đối với nước này.
Cũng trong ngày 25-4, theo Bộ Ngoại giao Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã có cuộc gặp với đại sứ Mỹ tại nước này John Sullivan để trao đổi về các vấn đề trong quan hệ song phương.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online