Cáo buộc mới
Hộp đựng mặt nạ bảo vệ N95 tại một trung tâm khẩn cấp ở New York, Mỹ. Ảnh: Reuters
Theo đó, một đơn hàng 200.000 mặt nạ 3M từ một nhà máy Trung Quốc đã dự định gửi tới Thủ đô Đức Berlin nhưng đã không được đến đó theo đúng lộ trình. Đơn hàng đã được chuyển thẳng đến Bangkok, Thái Lan.
Trang Der Tagesspiegel dẫn lời Cảnh sát trưởng Berlin Barbara Slowik cho biết, lô hàng thay vì đến Đức đã được ràng buộc thỏa thuận để tới Mỹ. Thượng nghị sĩ Berlin Andreas Geisel xác nhận hôm thứ Sáu rằng, những chiếc khẩu trang đã bị tịch thu và gọi hành động của Mỹ giống như "cướp biển thời hiện đại".
"Chúng tôi coi đây là một hành động vi phạm sở hữu. Đây không phải là cách bạn đối phó với các đối tác xuyên Đại Tây Dương" - ông Geisel nói.
Một phát ngôn viên của Nhà Trắng đã bác bỏ các cáo buộc của Đức, cho rằng nói họ vi phạm sở hữu là sai.
Tình trạng tương tự xảy ra ở Canada. Fan Zhou, chủ sở hữu của một công ty sản xuất tại Saint-Laurent, cho biết ông đã đặt hàng tại Trung Quốc vào cuối tháng 3 để có được 10.000 mặt nạ KN95 cung cấp cho các bệnh viện ở Montreal, bao gồm cả Bệnh viện Đa khoa Do Thái.
Theo ông, các nhà máy sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc hiện đang hoạt động hết công suất và các đơn đặt hàng từ chính phủ Trung Quốc được ưu tiên. Cách duy nhất để có được khẩu trang được giao là có các liên hệ địa phương và đi qua các kênh phi truyền thống.
Đơn hàng khẩu trang đến Canada cuối cùng lại có mặt ở Mỹ.
Ông đã đặt hàng từ Trung Quốc và số khẩu trang đã được giao tới nhà giao vận DHL ở Saint-Lambert, Quebec, theo thông báo giao hàng. Nhưng cuối cùng, hàng hóa này đã được chuyển hướng một cách kỳ lạ đến một trung tâm dịch vụ DHL ở Cincinnati, Ohio (Mỹ).
Phản bác từ quan chức giấu tên vụ chặn khẩu trang đến Pháp
Thông tin này càng thuyết phục nhiều quan điểm cho rằng, người Mỹ đang đi mua vét khẩu trang trên toàn thế giới.
Trước đó, đài Fox News ngày 3/4 (giờ địa phương) dẫn lời một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ bác bỏ thông tin nước này giành mua nguyên lô khẩu trang Pháp mua từ Trung Quốc khi máy bay đang xếp hàng hóa.
Mỹ khẳng định không cướp khẩu trang của đồng minh. Ảnh: France24
“Chính phủ Mỹ chưa từng mua bất cứ khẩu trang nào của Trung Quốc chuẩn bị bàn giao cho Pháp. Các thông tin ngược lại là hoàn toàn sai” - quan chức giấu tên này nhấn mạnh.
Thông tin về việc Mỹ tranh mua khẩu trang Trung Quốc với Pháp lần đầu tiên được RT France, một nhánh của kênh truyền hình RT Nga tại Pháp. Kênh này đã phỏng vấn ông Renaud Muselier, Chủ tịch Hội đồng vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur tiết lộ về một phi vụ "ăn chặn" chưa từng có khi họ đã tuột khỏi tay lô hàng thiết bị y tế phục vụ cho cuộc chiến chống đại dịch.
Theo đó, ông Muselier cho hay, chính quyền địa phương này đã trả tiền đặt mua vài triệu khẩu trang từ các nhà sản xuất Trung Quốc, hàng đã sẵn sàng để chuyển đi, nhưng vào giây phút cuối cùng lại có chuyện xảy ra.
Ông Muselier nói trên sóng truyền hình RT France: "Tại một bến bốc xếp hàng ở Trung Quốc, một đơn đặt hàng của Pháp đã bị mua lại bằng dollar Mỹ tiền mặt. Chiếc máy bay lẽ ra phải bay đến Pháp đã bay thẳng đến Mỹ".
Thông tin này sau đó đã được củng cố thêm bởi một số tờ báo của Pháp và châu Âu.
Đài phát thanh RTL sau đó đã liên hệ được với ông Muselier, ông này cho hay, ông đã được thông báo rằng, khẩu trang đã bị "đánh cắp" tại sân bay bởi những người Mỹ do họ chịu chi gấp ba lần tiền mặt.
Do đó, ông Muselier đã ra lệnh với các quan chức ở khu vực hãy chọn đặt khẩu trang giao bằng tàu chở hàng của Pháp.
“Ít nhất, tôi chắc chắn rằng không ai sẽ mua nó trên đường vận chuyển. Thông thường (việc bán hàng) diễn ra trên đường hàng đến sân bay. Nhưng tôi vẫn cảnh giác vô cùng” - ông Muselier cho biết thêm.
Đài này cũng liên hệ với ông Jean Rottner, người đứng đầu khu vực Grand Est, khu vực đầu tiên ở nước này bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dịch bệnh. Ông Rottnert cho biết, địa phương đã đặt hàng 5 triệu khẩu trang từ Trung Quốc và dự kiến nhận được một lô 2 triệu chiếc vào tối 31/3.
Tuy nhiên, ngay giờ máy bay cất cánh khỏi Trung Quốc, đã có một cuộc đấu tranh dữ dội diễn ra.
“Tôi có một đơn vị nhỏ ở địa phương làm việc suốt ngày đêm với những nhà cung cấp để đặt hàng và giành lấy đơn hàng thiết bị y tế vốn ngày càng nhanh bị mua hết. Và sự thật là trên đường băng (sân bay), người Mỹ rút tiền mặt và trả gấp ba hoặc bốn lần cho các đơn hàng mà chúng tôi đã thực hiện. Đó thực sự là một cuộc chiến” - RTL dẫn lời ông này nói.
Vị này không nói giành thắng lợi thế nào, chỉ nói với đài này hôm 2/4 rằng: “Tôi rất vui khi thấy chiếc máy bay này cuối cùng cũng đến trên đất Pháp tối nay”.
Báo Liberation tiết lộ thêm, vùng Nouvelle-Aquitaine, miền tây nam Pháp cũng phải lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để đặt hàng khẩu trang trong khi có nguy cơ gặp phải hàng kém chất lượng do lừa đảo.
“Tình hình hậu cần quả là hỗn loạn ở Trung Quốc. Mỹ đặt mua khoảng 2 hay 3 tỷ khẩu trang. Chúng tôi chỉ đặt có 5 triệu chiếc, nên dĩ nhiên là phải đi sau. Lẽ ra hàng phải về cách nay 10 ngày, nhưng sân bay Thâm Quyến nghẹt cứng. Nhà nhập khẩu của chúng tôi chất hết hàng lên một chiếc xe tải để chở đến Thượng Hải, nhưng lại còn tệ hơn nữa, xe bị kẹt trên đường ở đằng sau bao nhiêu xe khác. Chúng tôi cho xe rẽ qua ngã khác, hướng về Trịnh Châu, nghĩ là tình hình sẽ khá hơn. Tôi gọi nhà nhập khẩu này hai lần mỗi ngày để theo dõi, nhưng chúng tôi cũng đang tự hỏi là sử dụng xe lửa hay tàu thủy có nhanh hơn chăng…" - tờ báo này dẫn lời nguồn tin ở Nouvelle-Aquitaine kể lại.
Người này cũng cho biết thêm rằng, việc đặt mua khẩu trang từ các thương nhân Trung Quốc trở nên đầy rủi ro nhưng do tình thế khẩn cấp, họ buộc phải mua liều.
Khẩu trang đang trở thành trang bị y tế rất cần thiết ở Pháp. Hiện chỉ có khoảng 100 triệu khẩu trang dự phòng và không có loại khẩu trang FFP2 bảo vệ cao.
Hải Lâm
Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT