Hầu như tất cả mọi sự quan tâm xung quanh mối quan hệ kinh tế giữa Đức và Nga kể từ khi Moscow tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine đều tập trung vào khí đốt và dầu mỏ.
Bởi Đức mua nhiều dầu và khí đốt của Nga hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác, khiến năng lượng của Nga trở thành mặt hàng nhập khẩu sinh lời nhất cho Đức tính đến thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, nhiều công ty Đức còn phụ thuộc vào Nga như một nguồn cung ổn định cho các mặt hàng xuất khẩu khác, đặc biệt là các nguyên liệu thô như niken, paladi, đồng và crom.
Niken được sử dụng trong sản xuất thép không gỉ nhưng cũng là một thành phần quan trọng trong chế tạo pin lithium-ion, loại pin cung cấp năng lượng cho ô tô điện. Paladi cũng rất quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô, vì nó là một thành phần quan trọng trong sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác, giúp làm sạch khói thải trong xe chạy bằng xăng và xe hybrid.
Theo Đài quan sát Phức tạp Kinh tế (OEC), một cơ quan theo dõi thương mại. năm 2020, Nga là nhà cung cấp niken thô lớn nhất của Đức, chiếm 39% nguồn cung của nước này.
Nga cũng cung cấp khoảng 25% lượng paladi nhập khẩu của Đức, từ 15% đến 20% kim loại nặng crom và cadmium, được sử dụng trong công nghiệp; chiếm 11% lượng nhập khẩu đồng tinh chế vào năm 2020, 10,9% bạch kim và 8,5% quặng sắt.
Tầm quan trọng của Niken
Tờ Deutsche Welle (DW-Đức) trích dẫn một nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế Đức (IW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Cologne, xác định rằng Đức sẽ khó tìm nguồn thay thế cho một số nguyên liệu thô nhập khẩu từ Nga. Viện này nhấn mạnh: "Những mối quan hệ thương mại mới với các quốc gia xuất khẩu thay thế cho những nguyên liệu thô này là rất cần thiết".
Niken là kim loại đặc biệt quan trọng cần chú ý. Đối tác nhập khẩu niken thô lớn thứ hai của Đức vào năm 2020 là Hà Lan chiếm 29% lượng nhập khẩu. Nhưng Nga mới là nước dẫn đầu thị trường, cung cấp khoảng 20% dạng kim loại nguyên chất nhất trên thế giới, được gọi là niken loại 1.
Niken cao cấp ngày càng thiếu hụt trong vài năm nay. Sự bùng nổ sản xuất xe điện trên khắp thế giới - vốn cần niken cao cấp cho pin - đã khiến nhu cầu tăng vọt.
Nga là nhà cung cấp niken nguyên chất lớn nhất thế giới. Ảnh: DW
Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, thường xuyên tweet về việc thiếu niken. "Niken là thách thức lớn nhất đối với pin dung lượng lớn", ông viết. "Úc và Canada đang sản xuất khá tốt. Sản xuất niken của Mỹ về mặt khách quan là rất khập khiễng. Indonesia rất tuyệt!".
Giá niken loại 1 đã tăng gấp đôi trong hai năm qua nhưng xung đột Ukraine khiến lo ngại rằng Moscow có thể áp đặt lệnh cấm xuất khẩu. Một đợt giao dịch bùng nổ vào đầu tháng 3 đã chứng kiến giá đạt mức cao kỷ lục, thậm chí buộc Sàn giao dịch kim loại London phải đình chỉ giao dịch trong một khoảng thời gian, hành động lần đầu tiên xảy ra trong 37 năm. Giá niken đã tăng 400% chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022.
Volkswagen - công ty sản xuất xe điện EV - gần đây đã thông báo rằng họ đã đạt được thỏa thuận liên doanh với các công ty Trung Quốc Huayou Cobalt và Tsingshan Group, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp coban và niken thô ở Indonesia, một trong nước nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Lệnh cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu
Tuy nhiên, sự bất ổn về nhập khẩu nguyên liệu thô của Nga sẽ tiếp tục đeo bám thị trường. Một số nhà phân tích đã dự đoán rằng chỉ riêng cuộc khủng hoảng niken sẽ làm tăng thêm ít nhất 1.000 USD vào chi phí của một chiếc ô tô điện mới cho người tiêu dùng.
VDA, cơ quan thương mại của các nhà sản xuất ô tô Đức, cho biết cuộc xung đột nóng nhất hiện nay sẽ dẫn đến việc sản xuất xe ở Đức bị gián đoạn hơn nữa. "Về dài hạn, ngành công nghiệp xe hơi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt và giá nguyên liệu đầu vào cao hơn", cơ quan cho biết trong một tuyên bố.
Không chỉ các hãng xe bị ảnh hưởng. Năm 2018, tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF của Đức đã liên kết với Norilsk Nickel của Nga, nhà sản xuất niken tinh luyện lớn nhất thế giới, để cung cấp niken và coban cho cơ sở sản xuất vật liệu pin mới của BASF tại Phần Lan. Những giao dịch như vậy hiện đang được xem xét kỹ lưỡng.
Mặc dù Moscow đã không đưa các nguyên liệu như niken vào danh sách cấm xuất khẩu hồi tháng 3, nhưng vẫn có khả năng các lệnh trừng phạt từ Moscow hoặc Brussels sẽ chấm dứt dòng nguyên liệu thô đó sang châu Âu.
Mới đây, EU đã công bố lệnh cấm nhập khẩu đối với một số sản phẩm của Nga bao gồm than đá, trứng cá muối, gỗ, cao su, xi măng và rượu vodka. Tuy nhiên, niken và các mặt hàng khác được xuất khẩu với khối lượng lớn sang các nước như Đức đã bị loại khỏi danh sách.
Áp lực
Ngay cả khi việc bán niken của Nga sang châu Âu không bị cấm về mặt pháp lý, áp lực quá lớn đối với các công ty Đức trong việc cắt đứt quan hệ kinh doanh với Nga vẫn tiếp tục gia tăng trong hầu hết các ngành.
Nhiều chuyên gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức cho rằng sự thịnh vượng kinh tế của Đức trong những thập kỷ gần đây phần lớn được xây dựng dựa trên nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ của Nga.
Người đứng đầu BASF Martin Brudermüller nói với Frankfurter Allgemeine Zeitung rằng lệnh cấm đột ngột đối với dầu hoặc khí đốt của Nga có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ như bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế nào ở Đức kể từ Thế chiến thứ hai và công ty của ông sẽ phải ngừng sản xuất nếu nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên giảm xuống mức ít hơn một nửa mức sử dụng hiện tại.
Một số không đồng ý với những đánh giá mạnh mẽ như vậy. Một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Đức, Leopoldina, cho biết việc kết thúc nguồn cung ngay lập tức sẽ "có thể kiểm soát được."
Theo DW, trên thực tế những động thái như lệnh cấm hoàn toàn đối với năng lượng của Nga đang được tranh luận nghiêm túc đã làm rõ một điều đối với bất kỳ doanh nghiệp Đức nào có quan hệ với Nga: Không có gì là cấm địa, bất kể nó có thể "quan trọng" như thế nào trong lĩnh vực kinh tế.
Theo Trí Thức Trẻ